MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trường đang gặp khó khăn khi có quá ít thời gian và mẫu sách để nghiên cứu và lựa chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020-2021. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Chọn sách giáo khoa lớp 1: Khó tìm những lá phiếu chất lượng

HUYÊN NGUYỄN THỰC HIỆN LDO | 14/02/2020 11:36

Bản sách mẫu ít, thời gian dành cho giáo viên nghiên cứu hạn chế, khó tìm được thành viên hội đồng đủ tiêu chuẩn… là những khó khăn mà nhiều trường học đang vướng phải khi chọn sách giáo khoa lớp 1 mới chuẩn bị cho năm học 2020-2021.

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đã có những chia sẻ cùng Báo Lao Động xoay quanh những thực tế trong triển khai lựa chọn sách giáo khoa.

“Lùng sục” tìm bản mẫu sách giáo khoa

- Thưa ông Nguyễn Xuân Khang, đầu tháng 2.2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Thực tế việc triển khai này, các trường đang gặp những khó khăn chung nào?

Điều tôi lo lắng bấy lâu nay cũng như thực tại chung ở các trường là vẫn chưa có đủ bản mẫu sách giáo khoa do các nhà xuất bản phát hành để nhà trường mua rồi phát cho giáo viên và các thành viên có trong hội đồng chọn sách giáo khoa.

Như Trường Marie Curie, mỗi mẫu chỉ nhận được 1 cuốn thôi, thế nhưng trong trường có rất nhiều giáo viên khối 1 nên việc luân chuyển rất khó khăn.

Chúng tôi phải cử người đi “lùng sục”, đến trực tiếp các nhà xuất bản thì mới có được số lượng sách tạm đáp ứng. Nhưng đấy là thuận lợi của các trường ngoài công lập ở Hà Nội khi chủ động được kinh phí, tiếp cận được tận các nhà xuất bản chứ các trường công, trường ở xa sẽ khó chủ động làm được điều này.

Dù Hội đồng có chọn bộ sách nào để giảng dạy đi chăng nữa, nhà trường cũng sẽ trang bị đủ tất cả bộ sách giáo khoa để giáo viên có thể chắt lọc, tham khảo giá trị của từng cuốn và tạo thành bài giảng của riêng mình. Như vậy, sang năm, nếu Sở có chọn sách khác thì giáo viên cũng không quá lúng túng.

Ngoài ra, đến hiện tại, các đơn vị vẫn chưa nhận được báo giá phát hành của sách giáo khoa cũng là điều cản trở giữa nhà xuất bản đến các cơ sở giáo dục.

- Không có bản mẫu sách giáo khoa, nhiều giáo viên phải đưa ra nhận xét khi đọc bản trên mạng. Điều này có bất cập không, thưa ông?

Có một số giáo viên ở địa phương kêu rằng họ chỉ xem các bản mẫu trên mạng mà phải đưa ra ý kiến nhận xét. Tôi cho rằng đó là một điều thiệt thòi và khó khăn thực sự với giáo viên.

Với thời gian quá gấp, nếu giáo viên và các thành viên có trong hội đồng chọn sách giáo khoa không sớm được tiếp cận đầy đủ 5 bộ sách giáo khoa thì sẽ gây ra những bất cập nhất định.

Khi xem trên Internet, giáo viên vẫn có thể nghiên cứu được về nội dung chương trình môn học. Nhưng điều này chưa đủ, chưa toàn diện. Người ta cầm một cuốn sách lên còn có nhiều yếu tố. Ngoài thể hiện nội dung chương trình, phong cách thì còn hình ảnh, chữ nghĩa, chất lượng in ấn, giá cả…

Ông Nguyễn Xuân Khang ngồi cùng học sinh trong ngày khai giảng. Ảnh: MR

Khó tìm thành viên hội đồng đủ tiêu chuẩn

- Năm học 2020-2021, việc thành lập hội đồng chọn sách được giao trọng trách cho các hiệu trưởng. Ông có gặp khó khăn gì trong nhiệm vụ này hay không?

Tôi cho rằng việc cử giáo viên vào hội đồng là hợp lý và trường hoàn toàn đáp ứng đủ do có tổ trưởng chuyên môn, giáo viên trực tiếp đứng lớp 1. Nhưng thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh vào thành phần hội đồng chọn sách giáo khoa là điều khiến tôi trăn trở.

Thứ nhất, không phải ai cũng có đủ chuyên môn, thời gian để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn để bỏ phiếu, đặc biệt những cuốn sách đòi hỏi chuyên môn đặc thù như Âm nhạc, Mĩ thuật, Tiếng Anh. 

Cùng với đó, hiện tại, các trường chưa tuyển sinh nên sẽ không thể cử đại diện phụ huynh là cha mẹ học sinh lớp 1 sắp tới – những người trực tiếp có con em sẽ học cuốn sách này.

Nếu chọn đại diện cha mẹ học sinh mà họ không có chuyên môn, không có con trực tiếp học sách thì khó có lá phiếu chất lượng. Tôi cho rằng cử đại diện cha mẹ học sinh ở vai trò giống như giám sát viên thì có lẽ sẽ hợp lý hơn.

- Nhiều giáo viên bày tỏ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm khó các trường khi quy định thời gian để hoàn thành việc chọn sách chỉ khoảng hơn 1 tháng. Trong khi đó, công việc thẩm định của Bộ với toàn chuyên gia đầu ngành cũng mất khoảng 4 tháng. Các nhà xuất bản thì có khoảng 3 tháng để in ấn, phát hành. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Chỉ có hơn 1 tháng để các trường đưa ra quyết định chọn sách nào cũng là điều quá nặng nề với các trường khi đa số giáo viên ở cấp tiểu học sẽ dạy tất cả các môn (từ môn Mĩ thuật, Âm nhạc, Tiếng Anh, Thể dục) nên một giáo viên sẽ phải đọc rất nhiều sách (khoảng 38 cuốn).

Hơn nữa, giáo viên hầu như đều đi dạy cả ngày, làm công tác chủ nhiệm nên thời gian dành để nghiên cứu rất eo hẹp. Thế nhưng, "nước đã đến chân" với tất cả mọi người nên mỗi người phải cố lên một chút!

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn