MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (đứng) yêu cầu Bộ GDĐT cần có thái độ, giải pháp để chấm dứt tình trạng giáo viên bị ngược đãi, bạo hành. Ảnh: Bộ GDĐT

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Không thể chấp nhận việc giáo viên bị ngược đãi, ép quỳ gối

Đặng Chung LDO | 28/03/2018 21:32
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ GDĐT có giải pháp để chấm dứt ngay hiện tượng xúc phạm, hành hung giáo viên gây bức xúc dư luận thời gian qua. Vì những điều này là trái với đạo lý, truyền thống của dân tộc.

Tại buổi làm việc với Bộ GDĐT vào ngày 28.3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về 6 vấn đề đang được dư luận quan tâm để Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đó là vấn đề biên chế giáo viên, đặc biệt là việc 500 giáo viên Đắk Lắk mất việc làm; bạo lực học đường, bạo hành giáo viên; rà soát việc bổ nhiệm GS, PGS; cải cách thủ tục hành chính; hiện tượng các trường đại học tuyển sinh bằng tổ hợp lạ; xây dựng các trường có thương hiệu nổi trội trong khu vực và quốc tế.

Trong đó, vấn đề liên quan tới đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, bạo hành giáo viên được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.

"Thủ tướng nói Bộ Giáo dục nên có cách nào đó cảnh báo và có thái độ để chấm dứt tình trạng này. Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 lên bục giảng bóp cổ giáo viên. Câu chuyện này từ cổ xưa không có mặc dù trước đây giáo viên rất khắt khe với học sinh" - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

Ông Mai Tiến Dũng cũng dẫn hàng loạt vụ bạo hành giáo viên xảy ra trong thời gian qua, như việc phụ huynh ở Long An ép cô giáo phải quỳ gối, phụ huynh ở Nghệ An bắt giáo viên quỳ và đánh đập cô giáo đang mang thai. Ông khẳng định điều này là không thể chấp nhận, từ xưa người thầy chưa bao giờ bị ngược đãi, đối xử như vậy.

“Chúng ta phải có thái độ, lên tiếng để xử lý. Bộ GDĐT phải chấm dứt hiện tượng này"- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng.

Giải trình với Tổ công tác về việc này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, đại đa số giáo viên tâm huyết, trách nhiệm với nghề, nhưng vẫn còn một số ít chưa gương mẫu về đạo đức, như một số giáo viên mầm non đánh trẻ, ép học sinh học thêm. Nguyên nhân là do việc tu dưỡng rèn luyện chưa tốt, cường độ làm việc quá tải, việc kiểm tra, thanh tra, xử lý chưa nghiêm.

Bộ sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học, tiếp tục triển khai Nghị định 80 về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Bộ cũng đang xây dựng đề án ứng xử văn hoá trong trường học, hoàn thiện cơ chế chính sách tôn vinh, chế độ cho đội ngũ nhà giáo phấn đấu.

Về nội dung này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Thời gian tới, bên cạnh việc dạy chữ, Bộ GDĐT sẽ tăng cường thêm vấn đề dạy người, dạy lễ nghĩa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn