MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương vĩ đại về khuyến học. Chụp lại ảnh tư liệu tại Nhà trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam” ở Đồng Tháp

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương vĩ đại về khuyến học

Ngô Hữu Lễ - Chủ tịch LĐLĐ huyện Chợ Mới (An Giang) LDO | 02/10/2023 11:49

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ tài ba, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa…, mà còn là một nhà giáo dục, một tấm gương khuyến học. Nhân kỷ niệm 27 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (2.10.1996 – 2.10.2023), xin bày tỏ vài cảm nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương khuyến học.

Nhà khuyến học vĩ đại

Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của nhà giáo dục, tấm gương khuyến học vĩ đại. Sinh thời, Bác thường xuyên kêu gọi, khuyến khích và đưa ra phương cách gợi mở cho mọi người học tập hiệu quả, thiết thực nhất.

Người từng khẳng định: “Một dân tộc dốt là dân tộc yếu” và học tập là “để nước mạnh, dân giàu, nhân dân nước ta thoát khỏi kiếp nô lệ, nghèo đói, lạc hậu, giữ vững chủ quyền an ninh của Tổ quốc”. Vì thế, Người động luôn viên cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân và thanh niên, học sinh, sinh viên phải phát huy truyền thống “hiếu học” của dân tộc để nuôi dưỡng chí ham học, kiên trì học tập để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Từ đúc kết: “Người có học, mới tiến bộ, càng học, càng tiến bộ…”, Bác kỳ vọng và căn dặn lực lượng nhà giáo, những người giữ vai trò cốt lõi của quá trình dạy học “phải gắng công học tập suốt đời để tiến bộ và hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho”.

Vĩ đại hơn, không chỉ kêu gọi, Người còn chỉ ra cho cán bộ, nhân dân về tinh thần và thái độ học tập. Bác viết: “Không bao giờ tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại, mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải mình trước”.

Bác cũng khẳng định, học không phải chỉ học chữ, ngồi trên ghế nhà trường, mà học mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện. Và cần học nhiều nội dung, lĩnh vực từ chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật, học nghiệp vụ, ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách báo... Nhưng quan trọng hơn là học phải đi đôi với hành. Và Người cũng chỉ rõ cách học. Theo đó, cách học tốt nhất và ai cũng có thể tham gia hàng ngày, đó là học ngay trong thực tế, học ngay từ những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến ngay cạnh bên mình, trong đơn vị mình…

Tấm gương suốt đời học tập

Cuộc đời và hành trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương “suốt đời học tập”. Ngay từ nhỏ, Người đã bộc lộ tính ham học. Vốn thông minh và giàu lòng yêu nước, sau khi nghe nói đến: Tự do, Bình đẳng, Bác ái của Cách mạng Tư sản Pháp, Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.

Nhà sàn Bác Hồ tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: Lâm Điền

Từ những năm 1911-1923, để tìm hiểu, để học tập và hoạt động cách mạng, Người đã đến nhiều quốc gia trên thế làm nhiều nghề từ phụ bếp, quét tuyết, phục vụ khách sạn… Trong những năm tháng này, Người tự đọc sách để nghiên cứu lý luận và thực tiễn cách mạng và tìm ra con đường đến với chủ nghĩa Mác ‐ Lênin. Từ 1933-1938, Người trở lại Liên Xô và kiên trì học tập, nghiên cứu phương pháp cách mạng để chuẩn bị về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt sau Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến lúc Người qua đời, dù bận với công việc của lãnh đạo tối cao của Đảng, Nhà nước, nhưng Người vẫn luôn thường xuyên học tập. Chính điều này đã góp phần bồi đắp tài, đức để lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bác viết: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới chỉ có 40 tuổi mà đã cho mình là già, nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già, Bác đã 76 tuổi, nhưng Bác vẫn cố gắng học thêm”.

Bác Hồ là tấm gương đạo đức “Học tập suốt đời”. Kính yêu Bác, thế hệ hôm nay, nhất là cán bộ Công đoàn, đoàn viên, phải nỗ lực học tập thường xuyên để tiến bộ kịp với sự phát triển thời đại, của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn