MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ trường mầm non tư thục "mất trắng" tiền tỉ, phải lau nhà thuê để trả nợ

Lan Nhi LDO | 23/11/2021 14:11
HÀ NỘI - Phải đóng cửa cơ sở vì dịch COVID-19, nhiều chủ trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội đang phải đi vay lãi, cầm cố sổ đỏ, lau nhà thuê để kiếm sống. 

Đuối sức vì dịch bệnh

Từ đầu năm ngoái, khi dịch COVID-19 bùng phát, chị Ngô Kim Loan - Hiệu trưởng Trường mầm non Tú Chi (huyện Thanh Trì) đã phải thu gọn các cơ sở về tại nhà để giảm chi phí vận hành.

Trong câu lạc bộ khối trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội, chị Loan trăn trở khi thấy nhiều đồng nghiệp của mình đang rơi vào hoàn cảnh bi đát.

Thậm chí, có người từng là hiệu trưởng của một hệ thống trường mầm non nhưng giờ cũng phải gắng gượng đi làm giúp việc, cầm cố sổ đỏ, sổ bảo hiểm của chồng, của con để có tiền duy trì cơ sở.

Chị Ngô Kim Loan - Hiệu trưởng Trường mầm non Tú Chi trăn trở khi thấy nhiều đồng nghiệp của mình đang rơi vào hoàn cảnh bi đát. Ảnh: Lan Nhi

Chị Ngô Kim Loan tâm sự: "Trước kia, trường mầm non Tú Chi có 4 cơ sở nhưng giờ chỉ còn lại 2 điểm. Đợt vừa qua, trường học phải đóng cửa triền miên nên tôi phải chuyển các cơ sở về tại nhà.

Trong giãn cách, nhiều chủ đất, chủ nhà họ thường có xu hướng giảm tiền thuê mặt bằng cho mình. Nhưng khi thấy hệ thống trường mầm non tư thục nhiều tháng qua vẫn phải đóng cửa im lìm thì buộc họ phải đòi lại địa điểm để nhường cho ngành nghề khác thuê. Không có nguồn thu, phần lớn các trường mầm non tư thục thời gian này đang phải tìm cách thanh lý đồ đạc giá rẻ để chi trả tiền thuê mặt bằng". 

Nhiều trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội đang lao đao, gặp khó khăn về tài chính. Ảnh: Lan Nhi

Nhiều tháng nay, chị Dương Thị Quỳnh Nga - Hiệu trưởng trường mầm non Tuổi Thơ 2 (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) cũng phải đi cầm cố sổ bảo hiểm, vay nặng lãi bên ngoài hàng chục triệu đồng. Không có tài sản thế chấp, trong khi tiền mặt bằng 2 cơ sở vẫn phải trả đều đặn hàng tháng, chị Nga cũng phải xoay xở làm đủ nghề, tìm đủ mọi cách để vơi bớt gánh nặng tài chính.   

Cần chính sách hỗ trợ "dài hơi"

Từ ngày dịch bệnh bùng phát, các điểm trường mà chị Phạm Thị Hải - Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Hoa Hồng (phường Quang Trung, quận Hà Đông) đổ bao mồ hôi, công sức gây dựng với số vốn tiền tỉ cũng đành phải giải thể.

Để có tiền duy trì cơ sở còn lại, chị Hải đã phải nhận nhiều công việc làm thêm bên ngoài, thậm chí đi vay với mức lãi suất cao " cắt cổ" để cầm cự.

  Chị Phạm Thị Hải - Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Hoa Hồng phải đi ship hàng, lau dọn nhà thuê, làm osin để cầm cự trong dịch COVID-19. Ảnh: NVCC

"Gặp khó khăn, chẳng biết làm thế nào thì mình cũng phải xoay xở đủ nghề để kiếm sống. Có ca thì tôi nhận lau nhà, giúp việc, trông trẻ theo giờ. Đợt giãn cách, mặt bằng cơ sở vẫn phải đóng đều đặn 25 triệu đồng/tháng thì tôi tranh thủ đi ship hàng, bán rau, bán thịt lợn từ 3h sáng. Việc làm thêm tuy thu nhập ít ỏi nhưng tính ra cũng được khoảng 40 - 60 nghìn đồng/giờ" - chị Hải nghẹn ngào. 

Từ ngày dịch bệnh bùng phát, nhiều giáo viên ở trường mầm non tư thục Hoa Hồng phải về quê, người thì bán hàng online, trông trẻ kiếm sống qua ngày. Công việc thời điểm này bấp bênh, thu nhập lại không ổn định, chị Hải cùng mấy cô giáo buộc phải trả gấp nhà trọ. Sau mỗi ca đi làm thêm đến tận 1 - 2h sáng, họ đều quay trở về trường nghỉ ngơi, tá túc tạm ở đây trong lúc khó khăn. 

Đóng cửa triền miên, không có nguồn thu, nhiều chủ trường mầm non tư thục phải xoay xở làm đủ nghề như bán hàng online, trông trẻ, giúp việc... với mức lương rẻ mạt. Ảnh: Chụp màn hình

Đóng cửa triền miên, không có nguồn thu, nhiều chủ trường mầm non tư thục như chị Hải đều rơi vào cảnh túng quẫn. Trong lúc khó khăn, mỗi cơ sở trường mầm non tư thục cũng được các ban ngành hỗ trợ trước mắt gói 3 triệu đồng/cơ sở. Nhưng để duy trì, vận hành trong thời gian dài, đa phần các chủ trường đều mong được Nhà nước, các ngân hàng qua tâm, đưa ra những chính sách hỗ trợ hợp lý để họ nhanh chóng vực dậy, ổn định cuộc sống. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn