MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên và học sinh tại một lớp học Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

Chủ trương xoá bỏ công chức, viên chức trong giáo viên: Cần thực hiện đúng luật, không thí điểm giáo viên

HUYÊN NGUYỄN (thực hiện) LDO | 05/06/2017 06:50
Trước những tranh luận của xã hội xoay quanh việc xoá bỏ công chức, viên chức trong giáo viên và chuyển sang chế độ hợp đồng lao động, PGS-TS Triệu Thế Hùng - Uỷ viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng để thực hiện tốt chủ trương “có ra - có vào”, “có lên - có xuống”, thì phải thực hiện triệt để Luật Viên chức, Luật Lao động, Luật Giáo dục... hiện hành, không thí điểm giáo viên.

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới phát biểu của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ về thí điểm không còn CCVC trong GV và chuyển đổi từ biên chế sang HĐLĐ. Theo ông, đây có phải là một chủ trương mới và có điểm giống, khác gì so với Luật Viên chức 2012?

- Đây là vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải nhìn việc này từ căn cứ pháp lý một cách thấu đáo. Theo chính sách, pháp luật hiện hành của Việt Nam thì GV không phải là công chức. Theo Luật Giáo dục thì cơ sở giáo dục công lập là cơ quan sự nghiệp của nhà nước. GV công tác tại các cơ sở giáo dục công lập là viên chức nhà nước được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Luật Viên chức hiện hành.

Còn về cụm từ “chuyển từ chế độ viên chức” của GV “sang chế độ hợp đồng” thì không biết phải hiểu cụm từ này theo nghĩa gì? Vì chủ trương này (nếu có) thì sẽ không đúng với các luật hiện hành, bởi vì viên chức thì đã làm việc theo chế độ hợp đồng với nhà nước theo Điều 2, Luật Viên chức hiện hành. “Viên chức” và chế độ “hợp đồng làm việc” là gắn với nhau trong một nội hàm, không thể nói “chuyển” cái này “sang” cái kia được, cũng không thể nói thực hiện chế độ “hợp đồng” làm việc là thôi viên chức.

Việc chuyển sang chế độ hợp đồng có tạo động lực để GV phải phấn đấu và tích cực hoàn thiện bản thân, trau đồi kiến thức, nghiệp vụ không, thưa ông?

- Việc đưa ra giải pháp tạo động lực để GV tích cực phấn đấu trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ sư phạm và đổi mới phương pháp giảng dạy là rất cần thiết, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tìm ra giải pháp tối ưu để giải quyết.

Chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận, hiện nay có một bộ phận GV không thực sự say mê với nghề, không tâm huyết với học sinh, chỉ lên lớp cho có, hết giờ thì về, không có trách nhiệm mà vẫn nhận lương. Họ coi việc đã là viên chức thì sẽ ổn định, lâu dài cho đến lúc về hưu. Cách hiểu này là tư duy “lối mòn” thời bao cấp đến nay, từ đó dẫn tới việc tuyển dụng vào “biên chế” như một “cửa ải” đầy quyền lực với nhiều cơ hội xin - cho, chạy vào biên chế,… vì cho rằng “vào được biên chế là có ngay ngân phiếu trọn đời”. Nên, vào “biên chế” không phải để cống hiến mà đơn giản chỉ là việc làm. Điều đó đã khiến giáo dục trở nên trì trệ hơn, trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước và chiếm mất cơ hội việc làm cho người trẻ có năng lực và nhiệt huyết…

Để khắc phục tình trạng này, tôi cho rằng phải có giải pháp đồng bộ và lộ trình thời gian thực hiện. Trước mắt muốn để thực hiện tốt chủ trương “có ra - có vào”, “có lên - có xuống”, thì phải thực hiện triệt để Luật Viên chức, Luật Lao động hiện hành. Trong đó, GV mà nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng phải chấm dứt hợp động theo đúng pháp luật.

Dư luận lo lắng về việc nếu chuyển sang HĐLĐ thì quyền lực của hiệu trưởng sẽ là vô cùng lớn, có thể dẫn tới sự lạm quyền. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Việc đổi mới quản lý giáo dục đã và đang được quan tâm, nhưng chất lượng của một bộ phận đội ngũ hiệu trưởng và cán bộ quản lý ở một số cơ sở giáo dục vẫn chưa theo kịp với yêu cầu đặt ra. Thực tế hàng năm vẫn có những vụ “lùm xùm” liên quan đến phẩm chất, năng lực của hiệu trưởng như bệnh thành tích, “nhập nhằng” công tác thu - chi tài chính.

Có nhiều ý kiến băn khoăn rằng, khi thực hiện nghiêm chế độ HĐLĐ đối với GV, tiến tới việc hiệu trưởng quyết định mức lương của GV, tức là “số phận” của GV phụ thuộc nhiều vào sự định đoạt của những người có quyền ký tiếp hoặc chấm dứt HĐLĐ thì vai trò của người hiệu trưởng sẽ là rất quan trọng, đòi hỏi người hiệu trưởng vừa là người thầy và phải là một nhà quản lý chuyên nghiệp.

Để tránh việc hiệu trưởng lạm quyền, tôi cho rằng, cần có những chính sách để nâng cao cơ chế giám sát quyền lực đối với hiệu trưởng bằng vai trò của hội đồng nhà trường, công đoàn, hiệp hội nghề nghiệp, hội giáo giới, thanh tra giáo dục các cấp, các ngành…

PGS-TS Triệu Thế Hùng - Uỷ viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.Ảnh: T.C.A

Theo ông, để có thể khuyến khích các GV công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì chính sách tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ cho GV cần được thực hiện thế nào?

- Tôi thấy, hiện tại chủ trương thí điểm GV sẽ không còn là CCVC nữa đang gây cơn sang chấn cho giáo giới, nhất là đội ngũ GV là viên chức ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những người đang ngày đêm cần mẫn cống hiến hy sinh cho sự nghiệp giáo dục. Hơn lúc nào hết, chủ trương chính sách cụ thể đối với đối tượng này chỉ có thể đúng đắn và phù hợp yêu cầu thực tiễn khi thực hiện nghiêm túc Điều 82 của Luật Giáo dục về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Vậy, với thời điểm hiện tại, quan điểm của ông có ủng hộ chủ trương này hay không?

- Nếu GV của cơ sở giáo dục công lập mà không là viên chức thì sẽ là gì? Đặt GV ở đâu trong mã ngạch hành chính - sự nghiệp? Đội ngũ GV là viên chức nhà nước có tính đặc thù nghề nghiệp, là nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, có vai trò quyết định sự thành bại đối với công cuộc đổi mới căn bản toàn diện của giáo dục nước nhà. Vì vậy, cần phải có chính sách và sự quan tâm đặc biệt để đội ngũ GV có sự ổn định, yên tâm công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” cho đất nước. Mọi sự thay đổi gì liên quan đến đội ngũ GV thì dù có là thí điểm thì cũng phải tính toán kỹ lưỡng, có lộ trình thực hiện phù hợp và phải được sự đồng thuận cao của xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn