MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thường vụ Quốc hội chưa bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn.

Chưa bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá

Vương Trần LDO | 14/07/2020 17:44
Qua thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 14.7, thừa ủy quyền Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã trình bày Tờ trình số 314/TTr-CP ngày 3.7.2020 của Chính phủ về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. 

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, qua thực tế tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa theo quy định tại Luật Giá thời gian qua cho thấy mục tiêu điều tiết về giá sách giáo khoa không thực sự có hiệu quả. Theo đó, đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá đảm bảo công bằng giữa các nhà xuất bản và thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội.

Vì vậy, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bố sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Việc này được Chính phủ đánh giá là sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, tạo sự công khai, minh bạch về giá sách giáo khoa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo thẩm tra tại phiên làm việc. Ảnh: Quốc Khánh

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, theo quy định hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, theo đó thẩm quyền quyết định giá sách giáo khoa thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách nên thời gian qua giá sách giáo khoa ở mức khá cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí mua sách giáo khoa của phụ huynh và học sinh. Do vậy, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này khi giá sách giáo khoa chưa thực sự được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Ông Hải cho biết, một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có chủ trương lớn là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết của Quốc hội và trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá.

Mặt khác, để đảm bảo mức giá phù hợp trong cơ chế thị trường thì Chính phủ cần có cơ chế để mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm có nhiều nhà cung cấp cùng sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá bán sản phẩm.

Nêu rõ việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là không đúng với nguyên  tắc được quy định tại Luật Giá, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: "Thường vụ không có thẩm quyền quyết định bổ sung, hơn nữa đánh giá tác động của việc này của Chính phủ cũng mỏng manh lắm".

Kết luận, tổng hợp các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc sách giáo khoa không thuộc mặt hàng nhà nước định giá theo quy định trong Luật Giá.

Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa như Tờ trình của Chính phủ. Chính phủ cần đánh giá, rà soát lại về vấn đề nêu trên để báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc sửa đổi Luật Giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn