MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Phong Linh

Chưa kịp tựu trường, tân sinh viên đã lo lắng gánh nặng học phí đại học

trà my LDO | 29/08/2023 16:13

Ngoài tiền học phí, nhiều sinh viên năm thứ nhất còn phải căn cơ để chi trả mức phí sinh hoạt, chi tiêu trong tháng đầu tiên.

Niềm vui bị "dập tắt" bởi tiền học phí cao

Em Nguyễn Quang Vinh (Văn Lâm, Hưng Yên) vừa trúng tuyển vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Mặc dù chưa vào học nhưng em đã được nhà trường thông báo mức phí nhập học. Học phí một kì của em là gần 15.000.000 đồng. Tuy nhiên, vì đạt trên 27 điểm nên em được nhà trường giảm 50% học phí.

"Kì học đầu tiên của em, mức phí chỉ còn hơn 7 triệu đồng. Ngoài ra, em còn phải đóng thêm một số khoản khác như bảo hiểm y tế, kinh phí làm thủ tục nhập học,..." - nam sinh nói.

Nhờ có chính sách giảm học phí cho sinh viên đạt điểm cao, Vinh cảm thấy mình đỡ đi một khoản tiền và sẽ cố gắng giành học bổng để có thể chi trả học phí cho những kì học tiếp theo.

"Nếu như không được hỗ trợ một nửa học phí thì có lẽ em cũng giống như nhiều bạn khác sẽ phải lo lắng, xoay sở để có tiền nhập học. Em nghĩ sắp tới mình sẽ tập trung vào việc học để được học bổng học tập để giảm bớt một khoản kinh tế" - Vinh bày tỏ.

Mức phí đầu năm học của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không riêng gì Vinh, nhiều thí sinh khác cũng rất băn khoăn khi nhà trường thông báo số tiền cần phải đóng khi làm thủ tục nhập học.

Em Thế Bách (Lục Ngạn, Bắc Giang) cảm thấy quan ngại khi nhìn vào mức học phí phải đóng khi nhập học Học viện Ngoại giao. Mức học phí cao ngất ngưởng khiến Bách phân vân giữa việc học tiếp hay tạm dừng ước mơ vào đại học 1 năm để ôn thi vào những trường có học phí rẻ hơn.

"Học phí ngành học của em có mức phí hơn 40 triệu đồng/năm. Điều kiện kinh tế của gia đình em lại không đủ khả năng chi trả. Em cũng dự tính đi làm thêm nhưng thiết nghĩ số tiền làm thêm không nhằm nhò gì để đóng học phí" - Bách tâm sự.

Bên cạnh mức học phí phải đóng, nam sinh cho hay, sinh viên tháng đầu lên nhập học bao giờ cũng phải cần một khoản tiền lớn như: Tiền nhà trọ, ăn uống, chi tiêu cá nhân,... Chính vì thế, học phí cao là điều quá sức với bản thân em.

"Em cũng nghĩ rằng, học phí sẽ đi đôi với chất lượng học tập. Nhưng nếu tài chính của mình không cho phép thì bắt buộc mình phải suy tính lại để phù hợp hơn. Trước đó, em cũng hi vọng nhà trường sẽ giảm học phí xuống một chút nhưng hiện tại, mức học phí năm học mới này vẫn giữ nguyên so với năm ngoái" - Bách than thở.

Học viện Ngoại giao thông báo mức phí năm học 2023- 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đề xuất lộ trình tăng học phí mới

Nghị định 81 được Chính phủ ban hành năm 2021, trong đó quy định lộ trình tăng học phí công lập đến năm 2026. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Chính phủ yêu cầu giữ nguyên học phí.

Do đó, đã ba năm liên tiếp các cơ sở giáo dục đại học không tăng học phí. Còn ở mầm non và phổ thông, các tỉnh, thành phải cấp bù kinh phí để hỗ trợ phụ huynh và học sinh.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), với các cơ sở giáo dục đại học công lập, thu từ học phí chiếm tỉ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ nguồn thu khác còn hạn chế. Chính vì vậy, việc không được tăng học phí trong nhiều năm khiến các trường gặp khó khăn, đặc biệt là những trường tự chủ mới gần đây.

Tuy nhiên, nếu mức phí năm học mới được áp dụng theo Nghị định 81, biên độ tăng rất cao so với năm học trước, gây khó khăn cho phụ huynh, người học.

Chính vì vậy, Bộ GDĐT đã có đề xuất Chính phủ áp dụng mức trần của năm học 2022 - 2023, tức lùi một năm so với lộ trình tăng học phí mà Nghị định 81 đề ra.

Theo đó, trần học phí (mức tối đa được thu) với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học tới là 1,25 - 2,45 triệu đồng một tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35 - 2,76 triệu đồng. Mức thu hiện nay là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng.

Lộ trình tăng học phí này, sẽ đảm bảo lợi ích hài hoà giữa trường học và điều kiện để cơ sở giáo dục đại học đảm bảo nguồn lực, nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện ngân sách bị cắt giảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn