MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ sinh Thảo Nhi không ngại làm việc trái chuyên ngành nếu nhà tuyển dụng tạo cơ hội. Ảnh: Mỹ Ly

Chưa tốt nghiệp, nhiều sinh viên đã chuẩn bị tâm lý làm trái ngành

MỸ LY LDO | 23/05/2024 06:30

Trước sự cạnh tranh của thị trường việc làm cũng như yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng, nhiều sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã chuẩn bị tâm lý làm trái ngành sau khi tốt nghiệp.

Không ngại làm việc trái ngành

Dù chỉ mới là sinh viên năm hai nhưng Nguyễn Thị Ngọc Trang (sinh viên ngành Kinh tế nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ), đã thường xuyên theo dõi thông tin tuyển dụng trên các trang web tìm việc làm. Theo nữ sinh, nhà tuyển dụng thường đưa ra cho ứng viên khá nhiều yêu cầu, ngoài những kiến thức chuyên ngành.

“Phần lớn các công ty mà em tham khảo thường yêu cầu về các kỹ năng chuyên môn, giao tiếp, thái độ và nhất là vấn đề kinh nghiệm….Em thấy, với những yêu cầu này, tỉ lệ cạnh tranh để có việc làm của sinh viên mới ra trường sẽ khá cao. Do đó, sau khi tốt nghiệp, nếu các công ty cho em cơ hội và sẵn sàng đào tạo thì em sẽ không ngần ngại làm việc trái chuyên ngành”, Ngọc Trang chia sẻ.

Tương tự, Lưu Thảo Nhi (sinh viên ngành Văn học, Trường Đại học Cần Thơ) cũng thường dành thời gian để cập nhật, nắm bắt những yêu cầu của các nhà tuyển dụng dành cho ứng viên hiện nay. Thông qua các trang web, Thảo Nhi biết được, yêu cầu của các nhà tuyển dụng sẽ tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của công ty nhưng sẽ có những điểm chung nhất định.

“Theo em thấy, hầu hết các công ty sẽ yêu cầu các ứng viên có sự cân bằng giữa kiến thức chuyên môn với kỹ năng mềm. Đặc biệt, có kinh nghiệm làm việc trước đó sẽ là một lợi thế. Khi có đủ các yếu tố này, ứng viên sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc cũng như hòa nhập dễ dàng vào môi trường làm việc”, Thảo Nhi nói.

Với những yêu cầu của nhà tuyển dụng, Thảo Nhi nhận thấy cùng với sự phát triển của xã hội, thị trường lao động hiện nay rất năng động, mở ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng có tỉ lệ cạnh tranh cao. Vì thế, nữ sinh này đã chuẩn bị tâm lý làm việc trái chuyên ngành sau khi tốt nghiệp: “Sinh viên mới ra trường hầu như ai cũng muốn được làm đúng chuyên ngành nhưng điều này không phải dễ. Cho nên, nếu được nhà tuyển dụng tạo cơ hội, em sẵn sàng thử sức với môi trường làm việc trái chuyên ngành”.

Nắm bắt những cơ hội

Làm việc trái ngành, theo Ngọc Trang, bản thân sẽ cần phải cố gắng rất nhiều. Song, đây sẽ là cơ hội để nữ sinh có những kinh nghiệm làm việc quý giá, giúp ích cho tương lai sau này của mình.

“Với em, làm việc trái ngành chỉ là tạm thời. Em xem đây là cơ hội để bản thân tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng thực tế để sau này, khi tìm được một môi trường bản thân muốn gắn bó thì sẽ tăng khả năng trúng tuyển hơn. Dĩ nhiên, dù chỉ là tạm thời nhưng nếu nhà tuyển dụng đã cho bản thân cơ hội, em sẽ cố gắng hết mình để học hỏi, hoàn thành tốt công việc được giao”, Ngọc Trang bộc bạch.

Nữ sinh Ngọc Trang xem làm trái ngành là cơ hội để bản thân có những kinh nghiệm làm việc quý giá, giúp ích cho tương lai sau này. Ảnh: Mỹ Ly

Theo Thảo Nhi, nếu đã chấp nhận làm trái ngành, bản thân phải chuẩn bị tâm lý nỗ lực gấp đôi, gấp 3 người khác để bù đắp những thiếu hụt về kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân đối với công việc: “Xuất phát điểm chuyên môn của em có thể không bằng các ứng cử viên đúng chuyên ngành. Vì thế, nếu được trúng tuyển vào công ty, em sẽ phải nỗ lực rất nhiều từ kiến thức chuyên môn đến các kỹ năng mềm”.

Nữ sinh này nói thêm, hiện nay, làm việc đúng hay trái chuyên ngành không còn quá quan trọng. Chỉ cần bản thân không cảm thấy áp lực, gò bó cũng như công việc có lộ trình thăng tiến rõ ràng, đáp ứng kinh tế để lo được cho bản thân, gia đình thì Thảo Nhi sẽ chớp lấy cơ hội và sẵn sàng gắn bó lâu dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn