MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng chỉ hành nghề của nhà giáo là rất cần thiết

Vân Trang LDO | 25/05/2024 17:35

Nhiều chuyên gia ủng hộ và cho rằng, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là rất cần thiết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện để xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo. Một trong số những nội dung đáng chú ý dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo là tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo.

Theo đó, mỗi nhà giáo sẽ được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.

Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu giấy chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Các bộ, cơ quan ngang bộ cấp chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng sư phạm, giáo viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế và một số ngành/lĩnh vực, ban soạn thảo cho rằng chứng chỉ này sẽ có tác động tích cực, giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Chứng chỉ hành nghề nhà giáo có giá trị trong toàn quốc. Dù dạy học ở đâu, thầy cô cũng không cần tập sự lại; giảm được thủ tục khi chuyển công tác hay đi thỉnh giảng, dạy liên trường...

Về việc cấp chứng chỉ, theo ông Đức, 1,6 triệu thầy cô đang trong biên chế sẽ được cấp chứng chỉ mà không cần qua sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp để ghi nhận sự cống hiến hoặc tiếp tục giảng dạy.

"Chứng chỉ giúp phân biệt những người đủ tư cách dạy học, nhất là khi nhiều người tự xưng là nhà giáo trên mạng xã hội nhưng vốn không đủ tiêu chuẩn" - ông Đức nói.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) - ủng hộ quy định mới này trong dự thảo Luật Nhà giáo.

"Tại thời điểm này, giáo viên của chúng ta đào tạo từ ngành sư phạm ra không thể cứ thế nghiễm nhiên trở thành giáo viên mà cần có công tác đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, việc đưa ra chứng chỉ hành nghề đối với các nhà giáo tôi nghĩ rất cần thiết. Thậm chí cần quy định về thời hạn chứng chỉ để các giáo viên có thể phát triển" - TS Nguyễn Văn Hòa bày tỏ.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - đánh giá, việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với các nghề nghiệp trên thế giới nhằm mục đích đảm bảo chất lượng của ngành nghề đó, gắn liền với yêu cầu, quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân, ngành nghề đó đối với xã hội.

Ở nước ta, có nhiều ngành nghề khác cũng đã có chứng chỉ hành nghề như nghề luật sư, y tế… Do đó, đối với nghề giáo cũng cần phải có chứng chỉ hành nghề.

"Chúng ta cần có một quy trình cụ thể để đánh giá sự phát triển của nhà giáo và cấp chứng chỉ hành nghề nếu nhà giáo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu. Luật Nhà giáo là quy định chung cho nhà giáo, nghề giáo nhưng đối với các bậc học cần có các quy định cụ thể khác. Việc cấp chứng chỉ hành nghề cần phải do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện" - TS Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn