MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
4 nhà leo núi trong trận chung kêt Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: VTV

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia: Quán quân năm 20 sẽ gọi tên ai?

Bích Hà - Bảo Trung LDO | 20/09/2020 09:31
Sáng nay 20.9, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 (Olympia 20) chính thức diễn ra tại điểm cầu Trường quay S14 - Đài Truyền hình Việt Nam và 4 điểm cầu tại Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị và Đắk Lắk.

Bốn nhà leo núi xuất sắc góp mặt trong trận chung kết gồm: Lưu Đào Dũng Trí (Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội); Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình); Văn Ngọc Tuấn Kiệt (Trường THPT thị xã Quảng Trị, Quảng Trị); Vũ Quốc Anh (Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk).

Trong trận chung kết, các thí sinh sẽ trải qua các phần thi: Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích.

Bước vào trận chung kết, Thu Hằng là thí sinh nữ có điểm cao nhất trong lịch sử 20 năm cuộc thi, với tổng điểm 350.

Đây cũng là nữ sinh duy nhất trong trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 20. Thu Hằng đã xuất sắc giành được vòng nguyệt quế ở cuộc thi quý 1 với tổng điểm 175, mang cầu truyền hình về với tỉnh Ninh Bình. Theo thống kê, sau 8 năm mới có một thí sinh nữ lọt vào trận chung kết năm của chương trình.

Tại điểm cầu Ninh Bình, từ sáng sớm 20.9, điểm cầu Trường THPT Kim Sơn A đã vô cùng sôi động bởi tiếng reo hò, cổ vũ cô gái duy nhất trong trận chung kết năm nay.

Đây là niềm vinh dự và tự hào của thầy và trò nhà trường khi THPT Kim Sơn A là ngôi trường duy nhất trong tỉnh và là số ít trường THPT trong toàn quốc 2 lần được đón cầu truyền hình trực tiếp của "sân chơi" trí tuệ dành cho học sinh THPT. Thu Hằng được tiếp sức bởi bạn bè và người dân Ninh Bình

Trước khi tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, qua các vòng thi Sao Khuê của trường, Thu Hằng đều đạt được giải nhất, thể hiện vốn kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Còn tại điểm cầu Đắc Lắc, người thân, bạn bè cũng "tiếp sức" cho Vũ Quốc Anh (THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar, Đắk Lắk).

Không khí sôi động tại điểm cầu Đắc Lắc. Ảnh: Bảo Trung
Điểm cầu Đăk Lăk với những tiết mục cổ vũ đậm chất Tây Nguyên. Ảnh: Bảo Trung
Đại diện lãnh đạo tỉnh, Sở GDĐT Đắc Lắc cũng đến điểm cầu để theo dõi trực tiếp trận chung kết. Ảnh: Bảo Trung

Trước ngày thi, em Quốc Anh tâm sự, đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng dù có một chút hồi hộp, lo lắng nhưng sẽ cố giữ ở mức ổn định khi tham gia cuộc thi.

Cũng theo Quốc Anh, việc ôn luyện kiến thức được em cập nhật từ nhiều tháng qua nhưng với vốn kiến thức rộng lớn nên em hiểu bản thân mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Tại Quảng Trị, điểm cầu được đặt tại Trường THPT thị xã Quảng Trị. Văn Ngọc Tuấn Kiệt là niềm tự hào của nhà trường, của tỉnh Quảng Trị sau khi xuất sắc giành giành được vòng nguyệt quế với số điểm 300 ở cuộc thi quý 3.

Trước đó, hai thí sinh của trường là Văn Viết Đức (Olympia năm thứ 15) giành ngôi quán quân và Lê Thanh Tân Nhật (năm thứ 18) đạt á quân.

Ngoài ra, Quảng Trị còn một nhà vô địch khác là Phan Đăng Nhật Minh (năm thứ 17).

Đạt 270, 310 và 300 điểm ở cuộc thi tuần, tháng, qúy, Tuấn Kiệt khiến ba thí sinh còn lại phải dè chừng...

Điểm cầu thứ 4 trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia được đặt tại Hà Nội. Lưu Đào Dũng Trí (Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội) là thí sinh cuối cùng giành vé vào trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia. Tuy nhiên, em lại là người đầu tiên mang cầu truyền hình về cho trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.

Lưu Đào Dũng Trí (Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội) là thí sinh cuối cùng giành vé vào trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn