MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau 3 tuần dạy học, không ít giáo viên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và truyền thụ kiến thức chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 2, lớp 6 đến học sinh. Ảnh: Tường Vân.

Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 2, lớp 6: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Vân Trang LDO | 27/09/2021 13:09
Năm học mới bắt đầu bằng hình thức trực tuyến, lại tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 2 và lớp 6 khiến không ít giáo viên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và truyền thụ kiến thức tới học sinh.

Hạn chế từ việc dạy trực tuyến

Sau 3 tuần đầu dạy học trực tuyến, cô Cấn Thị Mai Hương (Thạch Thất, Hà Nội) cho rằng, khó khăn lớn nhất của cô trò là phải bắt đầu năm học mới theo hình thức trực tuyến khiến cô trò gặp nhiều bất lợi trong việc tiếp cận chương trình SGK Tiếng Việt lớp 2 (bộ Kết nối tri thức).

“Chương trình SGK Tiếng Việt lớp 2 chú trọng vào tìm hiểu nội dung bài viết, luyện kĩ năng viết, kỹ năng nói. Trong khi đó, tại trường tôi đang công tác, có nhiều em học sinh thuộc khu vực miền núi, kĩ năng đọc, nói Tiếng Việt còn hạn chế. Cô nói qua Zoom, đôi lúc các con không hình dung được và rất khó để theo kịp chương trình trên lớp. 

Để khắc phục, trước mỗi buổi học, tôi đều chụp phần nội dung bài đọc, gửi cho phụ huynh rèn các con luyện đọc nhiều lần ở nhà để khi lên lớp, các con bắt nhịp với chương trình dễ dàng hơn”, cô Mai Hương chia sẻ.

Cô Lê Thị Thủy, giáo viên lớp 2 tại Thanh Hóa cũng gặp nhiều khó khăn trong những tuần đầu dạy học. Theo cô Thủy, chương trình SGK Toán, Tiếng Việt lớp 2 (bộ Kết nối tri thức) được thiết kế rất sinh động về kênh hình ảnh. Nội dung, bố cục được phân chia mạch lạc, rõ ràng nên khi trình chiếu các con rất hào hứng và chăm chú vào bài giảng. Nhưng khó khăn ở chỗ, kỹ năng diễn đạt của các con còn nhiều hạn chế, lại phải học viết đoạn văn ngay từ tuần đầu lên lớp.

“Tôi phải liên tục đưa ra các câu gợi ý, khích lệ để các con đứng lên luyện nói thật nhiều. Sau đó, chỉnh sửa cho các con để câu nói có sự logic hơn. Sau khi nói thành thạo, các con sẽ viết vào giấy nháp và tôi sẽ chỉnh sửa cho từng con. Sau đó, cho các con đọc lại rồi mới bắt đầu làm bài.

Việc chấm, chữa cho từng con rất mất thời gian, công sức nhưng đó là cách tốt nhất để hỗ trợ các con tiếp thu bài mới. Mới đầu sẽ còn nhiều khó khăn và bỡ ngỡ với cả cô và trò. Nhưng tôi tin rằng, khó khăn đến đâu thì cô trò chúng tôi vẫn có thể vượt qua”, cô Thủy bày tỏ.  

Đổi mới trong cách tiếp cận

Không chỉ với lớp 2, nhiều giáo viên dạy lớp 6 cũng đánh giá việc dạy học chương trình mới trong điều kiện dịch bệnh, cô trò tương tác qua môi trường Internet còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn.

Với bộ môn Khoa học tự nhiên (KHTN) lớp 6, cô Lê Thị Phương Lan - giáo viên Hóa học tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, học sinh đã quen với nhịp độ học online và dần thích nghi với môn học mới. Theo đó, học sinh đã đạt được 85-90% lượng kiến thức mà giáo viên truyền tải, tùy từng năng lực của học sinh. Tuy nhiên, thầy và trò vẫn còn nhiều khó khăn cần phải khắc phục.

“Chương trình mới được thiết kế cho việc dạy học trực tiếp, yêu cầu giáo viên và học sinh phải tương tác nhiều. Nên trong quá trình giảng dạy, tôi phải chủ động tìm mọi phương án để xây dựng bài giảng phù hợp với hình thức học online, giúp học sinh tiếp cận kiến thức theo định hướng mới, yêu cầu mới.

Nếu không xây dựng các bước hoạt động dạy học theo chương trình mới, việc dạy học online sẽ không hiệu quả, khiến học sinh bị áp lực bởi kiến thức nhiều. Thậm chí, thời gian 1 tiết học 45 phút sẽ không giải quyết hết nội dung dạy học. Vì vậy, giáo viên cần nghiên cứu kỹ và xây dựng phương pháp dạy phù hợp" - cô Lan cho biết.

Thừa nhận việc dạy và học trong bối cảnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cô Lan cho rằng, thầy và trò cùng nỗ lực, vừa học tập vừa rút kinh nghiệm sẽ mang lại kết quả đáng tự hào.

Nhận định chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 được thiết kế theo hướng vận dụng kĩ năng nhiều hơn thay vì nặng về lí thuyết, cô Đỗ Thị Thanh Tuyền (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết bản thân giáo viên phải thay đổi rất nhiều trong cách tiếp cận, truyền đạt kiến thức đến học trò.

“Riêng với môn KHTN, thay vì dạy các con nhiều kiến thức thì bây giờ, giáo viên chúng tôi phải tư duy xem làm cách nào các con có thể vận dụng những kiến thức đã học trong cuộc sống nhiều hơn.

Sau 3 tuần đầu dạy học, các con hứng thú, tự giác học ở nhà hơn, vui mừng khoe với cô những sản phẩm sáng tạo mà các con thực hiện ở nhà như sơ đồ tư duy, clip… Sự đón nhận của các con là động lực để giáo viên chúng tôi tiếp tục nỗ lực và cố gắng hơn nữa”, cô Tuyền vui mừng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn