MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên, chuyên gia băn khoăn liệu chương trình có thực sự được giảm tải.Ảnh: HUYÊN NGUYỄN

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Giảm tiết nhưng có giảm tải?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 31/07/2017 09:53
Bộ GDĐT vừa chính thức công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT), thời lượng học ở cả ba bậc học đều giảm so với dự thảo trước đó. Dư luận tiếp tục băn khoăn liệu rằng, thực chất chương trình có được giảm tải?

Giảm tiết học theo điều kiện thực tế

Lý giải về việc các môn học được giảm tải thời lượng học, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình GDPTTT - cho biết: Thời lượng giáo dục dành cho các môn học có giảm đi so với dự thảo trước đó theo nguyện vọng của các chuyên gia, người dân nhằm giảm bớt thời lượng học cho học sinh. Bên cạnh đó, căn cứ vào điều kiện thực tế ở Việt Nam có nhiều khó khăn. Thứ nhất, đối với tiểu học, có những trường dạy được 2 buổi/ngày tức 10 buổi/tuần. Nhưng có những trường chỉ dạy được 8 buổi, 6 buổi, thậm chí một số trường chỉ dạy được 5 buổi/tuần. Do đó, chương trình phải cân đối. Hay ở cấp THCS, nhiều ý kiến đề nghị tăng số tiết học môn ngoại ngữ lên để đảm bảo học sinh có đủ kiến thức để hội nhập. Tuy nhiên, Ban soạn thảo phải cân đối về thời lượng học các môn, chưa có nước nào xếp giờ ngoại ngữ nhiều hơn giờ học môn ngôn ngữ quốc gia, tăng giờ ngoại ngữ kèm theo việc phải giảm giờ môn học khác.

Yếu tố ảnh hưởng thứ hai chính là lực lượng giáo viên. Tăng giờ tức là tăng biên chế giáo viên vì tăng định biên. Với hoàn cảnh thực tại, điều này không khả thi vì chủ trương của Chính phủ là giảm biên chế. Chương trình giáo dục tổng thể phải thỏa mãn rất nhiều điều kiện.

Tổng Chủ biên Chương trình GDPTTT cho biết, hiện nay, sau khi hội đồng thẩm định họp lần 1, Ban soạn thảo môn học đã bắt đầu công việc xác định yêu cầu cần đạt và chuẩn đầu ra cho từng môn học, những định hướng lớn về nội dung. Khi chương trình GDPTTT được thông qua sẽ cụ thể hoá nội dung từng môn học và trong tháng 8 sẽ mời các chuyên gia đến để thảo luận về từng chương trình môn học, sau đó sẽ xin ý kiến của nhân dân. Trên cơ sở chương trình các môn học, SGK phải bám theo nội dung này. Vì thế, sau khi chương trình từng môn học được phê duyệt thì cần bắt tay ngay vào công việc viết sách giáo khoa. Hội đồng thẩm định sẽ phải xem xét, sách nào không đảm bảo được yêu cầu sẽ không được thông qua.

Thực chất chương trình không giảm tải?

Nhận xét về Chương trình GDPTTT vừa được thông qua, ông Đào Tuấn Đạt - lãnh đạo Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, đồng thời là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng: Chương trình chính thức không có bước tiến nào về tư duy so với các bản dự thảo được công bố trước đây. Giáo dục sẽ vẫn chạy theo quán tính cũ và buộc lòng chúng ta phải xem nền giáo dục vẫn đang tiếp tục thời kỳ quá độ dài lâu. Vì không có sự thay đổi nào về nguyên lý và cách nhìn nên tất yếu sự thay đổi là chắp vá và không có logic. Đó chỉ là sự bày biện lại những điều đã cũ, thay đổi cách gọi tên và bổ sung vài chi tiết còn chưa được kiểm nghiệm về mặt khoa học.

Ông Đạt cũng cho hay: Nhìn vào bản chương trình có thể thấy tổng số tiết một tuần cơ bản vẫn như cũ, có giảm cũng không đáng kể. Giảm tiết môn này lại nhồi vào môn kia như môn trải nghiệm. “Giảm một cách cơ học, đồng đều không lưu ý đến chuyên môn thì thật tai hại. Tôi lấy ví dụ môn toán của chương trình mới chỉ còn 3 tiết một tuần thì không biết học sinh sẽ học như thế nào, lại giống cưỡi ngựa xem hoa và đi học thêm. Khi sĩ số lớp đông, năng lực tự học yếu, thời gian lại không đủ thì chắc chắn sẽ dẫn tới quá tải cơ học. Chuyên sâu về toán thì không đủ thời gian. Không chuyên sâu, chẳng hạn chọn định hướng văn chương hay nghệ thuật, thì toán lại thừa. Tình trạng cần học thì không đủ thời gian mà không cần vẫn phải học sẽ lại diễn ra như hiện nay. Những bất cập vẫn như cũ” - ông Đạt nhận xét.

Ông Đạt cho rằng, bản thân hoàn toàn thất vọng với bản chính thức lần này. “Tôi cho rằng khi chưa có nhận thức đúng về bản chất, mục đích, nhiệm vụ giáo dục sẽ dẫn tới định hướng sai về chương trình, phương pháp giảng dạy và hình thức thi cử. Từ đó dẫn tới “dạy giả”, “học giả”, nhồi nhét, đánh đố, khoa trương hình thức mà không nắm được tinh thần, bản chất, cốt lõi của vấn đề” - ông Đào Tuấn Đạt cho hay. Đồng quan điểm, ThS Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy môn lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - cho rằng Chương trình chính thức chỉ như “bình mới, rượu cũ”. Thậm chí, theo ThS Hiếu, ở Dự thảo trước chúng ta còn thấy tinh hoa của đổi mới, nhưng đến Chương trình chính thức có vẻ như nó gần như quay lại với chương trình phân ban hơn 10 năm trước.

“Tôi có cảm nhận là dường như, Bộ GDĐT càng đổi mới lại càng lúng túng, luẩn quẩn trong việc tìm ra hướng đi, cách đi phù hợp cho giáo dục phổ thông, đặc biệt là bậc THPT. Bộ GDĐT đang rơi vào tình trạng có sự mâu thuẫn cho phương án giữa ý tưởng và khả năng triển khai thực hiện ý tưởng, giữa “giảm tải” với “tăng tải”, giữa “bắt buộc” và “tự chọn” các môn học.

Còn TS Lương Hoài Nam thì cho rằng việc giảm tải hay tăng tải kiến thức còn phụ thuộc vào chương trình từng môn học sẽ được xây dựng và công bố tới đây. Tuy nhiên, với sự thay đổi không ngừng thì SGK sẽ rất nhanh lạc hậu vì vậy cần xoá bỏ tính “hiến định” của SGK, cho phép giáo viên sử dụng nhiều nguồn giáo liệu khác để dạy học.

Giải đáp về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Trên thực tế hiện nay chúng ta vẫn nói là quá tải nhưng theo tôi lỗi không hẳn tại chương trình, thậm chí không phải ở SGK mà là do cách dạy của giáo viên mình còn nặng nề. SGK nước ngoài dày gấp 10 lần của mình nhưng tại sao học sinh không bị nặng nề. Sự quá tải còn do áp lực cạnh tranh để vào các trường học lớn, các trường có chất lượng cao, sức ép của phụ huynh học sinh lên học sinh, vấn đề dạy thêm, học thêm...

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn