MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh lựa chọn sách giáo khoa tại nhà sách Tiền Phong (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới: “Không nên mang học sinh ra thí nghiệm”

XQ-ĐT-XH LDO | 02/11/2017 09:00
Theo chương trình, hôm nay (2.11), kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sẽ nghe Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. ĐBQH Dương Trung Quốc đồng tình với việc lùi thời hạn và cho rằng không nên mang các cháu ra thí nghiệm.

Theo Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), vấn đề sách giáo khoa chỉ là một khâu trong cả quy trình để chúng ta thay đổi một cách toàn diện về giáo dục, nên lùi hẳn 2 năm, để làm cho thật chu đáo.

“Đây là một chương trình lâu dài. Sở dĩ chính phủ đề nghị lùi 1 năm, theo tôi nghĩ có lý do khách quan của nó. Chủ quan là của ngành giáo dục nhưng khách quan của những người thực hiện. Vì thời kỳ cuối nhiệm kỳ trước, vấn đề chương trình còn bề bộn thế, bộ trưởng mới triển khai công việc cũng chỉ mới 2 năm nay.

Việc thực hiện quy trình có kế thừa, chuyển giao qua nhiệm kỳ bao giờ cũng gặp sự trục trặc, không thông thoát. Thời gian vật chất thực tế để thay đổi căn bản chương trình cách đây không lâu. Thời gian làm sách giáo khoa quá ngắn ngủi. Hơn nữa đây là sách giáo khoa đi theo cách làm cuốn chiếu. Vì thế chúng tôi nghĩ là lùi lại là cần thiết.

Cá nhân tôi khi thảo luận còn đặt vấn đề sao không đề nghị lùi hẳn 2 năm, làm cho thật chu đáo. Bởi vì chúng ta không nên mang các cháu ra thí nghiệm. Cứ làm hết các khâu thử nghiệm, chắc chắn đi rồi chúng ta làm tiếp. Nhưng phía ngành Giáo dục cũng cảm thấy cần thực hiện đúng hạn nhất nên cũng thể hiện tính quyết tâm.

Chúng ta phải thừa nhận giáo dục của chúng ta ngưng đọng quá lâu, quá lạc hậu, từ chương trình cho tới phương pháp giáo dục. Cho nên lần này theo chương trình của Trung ương là chúng ta thay đổi một cách rất căn bản và toàn diện, đòi hỏi theo kịp nhu cầu phát triển của đất nước đang hội nhập với nền giáo dục quốc tế.

Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhưng rõ ràng dấu ấn lớn nhất là không có sự kế thừa rõ nét giữa các nhiệm kỳ. Tư duy nhiệm kỳ không chừng sau một nhiệm kỳ khác nó lại xảy ra, nên việc chậm một năm cũng phù hợp với đặc điểm mà chúng ta mong muốn nó được thay đổi, cải thiện, nhưng không biết nó có cải thiện được không?” - ông Quốc nói.

Được biết, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với đề xuất của Bộ GDĐT về việc lùi thời gian 1 năm cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, đồng thời đề nghị tăng cường truyền thông, mở rộng đối thoại, tạo đồng thuận xã hội về đổi mới giáo dục. Thủ tướng nhấn mạnh: Với lĩnh vực giáo dục đào tạo, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm 2017-2018, không để tình trạng lạm thu.

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và đặc biệt tại cuộc họp tổng kết năm học 2016-2017 vừa diễn ra vào tháng 8.2017, nhiều địa phương đã có ý kiến là nên lùi việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ít nhất 1 năm. Đây cũng là khuyến nghị từng được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra.

Dây và Cáp điện Trần Phú - Độ bền thách thức thời gian

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn