MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Muốn không đi thụt lùi, giáo dục Việt Nam cần có những thay đổi mạnh mẽ đáp ứng sự phát triển của khoa học, công nghệ (Ảnh: Nguyễn Huyên)

Chương trình giáo dục tổng thể cần gắn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Tuệ nhi (thực hiện) LDO | 15/05/2017 07:30
GS Nguyễn Lân Dũng, Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục – Môi trường, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh: Muốn cải cách của giáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (sau đây gọi tắt là Chương trình) không đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
- Thưa GS Nguyễn Lân Dũng, trước những biến đổi không ngừng về kinh tế, xã hội, đặc biệt là sức ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, giáo dục Việt Nam cần đặt vị trí của mình như thế nào trong cuộc cách mạng này?
- Cả thế giới đang sôi động về cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Chúng ta đều biết đây là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, mạng di động, Internet vạn vật, điện toán đám mây, máy móc tự động (như ôtô tự lái) in ấn 3 chiều, kết nối vạn vật (IoT), công nghệ sinh học, công nghệ nano, người máy có trí tuệ nhân tạo với nền tảng là các đột phá của công nghệ số. Điều này sẽ làm thay đổi cơ bản về phương thức sản xuất của con người, sản xuất được điều khiển và hỗ trợ quyết định từ không gian số. Chẳng hạn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, ngành học máy (machine learning), nhằm làm cho máy có thể tự học để nâng cao năng lực hành động.
Nhẽ nào cuộc cách mạng vĩ đại này không liên quan gì đến công cuộc đổi mới toàn diện và triệt để giáo dục nước nhà mà trước mắt là việc xây dựng Chương trình? Thế nhưng, Chương trình dường như chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu này. Không thể nào có nền kinh tế 4.0 dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ lạc hậu. Tôi mong muốn Chương trình không đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
- Vậy theo GS, chúng ta cần thay đổi hướng đào tạo như thế nào để đáp ứng trước yêu cầu đổi mới?
Cuộc cách mạng công nghệ mới hiện nay tạo ra những cơ hội ngang nhau trên phạm vi toàn cầu. Điều quan trọng nhất là ai nắm bắt được cơ hội sớm thì sẽ thành công cao hơn.
Vì vậy, chúng ta cần hiểu doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung có nhu cầu như thế nào thì sinh viên sẽ hướng tới tìm học những nơi đáp ứng được nhu cầu đó. Các trường Đại học, Cao đẳng không đáp ứng được nhu cầu thị trường của kỷ nguyên Công nghiệp 4.0 sẽ không có
sinh viên!
Trước hết, chúng ta cần xác định đào tạo nguồn nhân lực theo hai hướng một là, đáp ứng được cho các nhà máy, các Cty công nghiệp (để họ không phải đào tạo lại) và hai là, phục vụ cho sự nghiệp phát triển Nông nghiệp công
nghệ cao.
- Với hướng đào tạo này, Chương trình sẽ cần xây dựng như thế nào, thưa GS?
Theo tôi hiện nay trong chương trình cần có sự thay đổi ở một số nội dung. Cụ thể, tôi thấy 6 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi sao mà khó nhớ thế và không hiểu bằng cách nào để có thể đạt được ở từng HS chúng ta.
Kinh nghiệm khi trao đổi với thầy trò nhiều trường THCS và THPT tôi thấy dễ nhớ nhất và quan trọng nhất nên là Hiếu thảo, Hiếu học, Mạnh khoẻ và Thành đạt.
Có hiếu thảo, hiếu học mới có thể trở thành con ngoan, trò giỏi. Hiếu thảo không chỉ là yêu thương bố mẹ, ông bà, mà còn cần quý trọng thầy, cô và biết ơn những người đã hy sinh để cho mình có cuộc sống an bình hôm nay. Hiếu học là biết học cho chính mình, cho tương lai của mình và học những gì đáp ứng được cho nền công nghiệp 4.0.
Sức khoẻ còn quý hơn vàng, ngoài sức khoẻ vật chất còn cần rèn luyện sức khoẻ tinh thần, nâng cao khả năng hưởng thụ âm nhạc, hội hoạ, văn chương…
Thành đạt không phải ở các tấm bằng mà chính là đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Việc tích hợp trong các môn học và việc dạy nghề nên có thay đổi về chất.
Về môn Giáo dục Quốc phòng cần tổ chức tập trung thành từng đợt chứ không học rải rác trong từng tuần.
Về các môn học nên xem lại việc Toán–Tin chiếm những 200 tiết trong khi cả 3 môn Lý-Hoá-Sinh chỉ có 140 tiết thì liệu có thoả đáng hay không?
Không những vậy, chúng ta hãy nhìn trên thế giới, có nước nào tích hợp Lý với Hoá với Sinh hay không? Thậm chí, có vị Thứ trưởng còn chủ trương để một thầy, cô giảng dạy được cả ba môn.
Việc cho học sinh tự chọn môn học ở lớp 11 và 12 là bất khả thi và không hợp lý.
Tôi cũng đề nghị chỉ nên phân bốn ban Toán Lý, Hoá Sinh, Xã hội và Quản trị Kinh doanh để chuẩn bị cho việc học tiếp hoặc rẽ ngang sang học nghề, tự tìm việc làm.
Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh lại: Chương trình không đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
- Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của GS!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn