MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình học chán là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên có kết quả thấp dẫn đến bị đuổi học hay bỏ học giữa chừng. Ảnh minh hoạ: Trần Vương

Chương trình học chán là nguyên nhân khiến sinh viên "đứt gánh giữa đường"

HUYÊN NGUYỄN LDO | 12/01/2018 14:00

Trước những ồn ào về việc hàng nghìn học sinh bị đuổi học, theo nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, phần lớn số sinh viên này thuộc năm thứ nhất, thứ hai. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có việc chương trình học chưa thực sự hấp dẫn.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, phần lớn số sinh viên bị đuổi học đều thuộc năm thứ nhất, thứ hai. Bởi những môn đại cương, cơ bản đều học vào giai đoạn này khiến sinh viên có cảm giác nặng nề, chương trình học khó. 

Mặt khác, ông Tớp chỉ ra rằng, một phần của việc dẫn đến bỏ bê học tập chính là phương pháp học ở phổ thông và đại học hoàn toàn khác nhau nên các em bị bỡ ngỡ. Đồng thời, khi vào đại học, các em nghĩ sẽ được xả hơi hay vội vã kết luận không hợp với nhà trường, ông Tớp cho hay. 

Trước thực tế đó, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận định: “Với trường đào tạo thiên về kỹ thuật như ĐH Bách khoa Hà Nội, môn học cơ bản rất cần thiết. Đôi khi, sinh viên không hiểu học những kiến thức này để làm gì, dẫn đến chán nản, "đứt gánh giữa đường". Có người nói việc đuổi học sinh viên “nở rộ”, cách ví von này không đúng. Đây thực chất là sự chọn lọc cần thiết. Ở ĐH Bách khoa Hà Nội, không có chuyện vào bao nhiêu thì ra bấy nhiêu”.

Nhằm tạo hứng thú cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất, biện pháp được nhà trường đưa ra là sẽ không dồn toàn bộ các môn cơ bản vào học kỳ I. Ngoài ra, trong suốt quá trình, nhà trường còn hỗ trợ sinh viên với nhiều môn học về kỹ năng mềm, sáng tạo khởi nghiệp… với mục đích tiếp thêm cho các bạn trẻ hứng khởi, tránh lâm vào tình trạng nghỉ học đáng tiếc.

Đồng quan điểm, ông Trần Khắc Thạc - Phó trưởng phòng Đào tạo đại học và sau đại học, ĐH Thủy Lợi – cho biết: Nếu dồn hết các môn khoa học cơ bản và đại cương vào năm học thứ nhất có thể khiến sinh viên chán nản, nhất là khi cách học của phổ thông hoàn toàn khác với đại học. Vì vậy, sinh viên năm thứ nhất của trường chỉ phải học các môn về Toán, Lý, Hóa là những môn cơ bản, quan trọng. Ngoài ra, các môn đại cương như Lý luận chính trị, Pháp luật đại cương... được phân chia đều trong suốt quá trình học chứ không chỉ dồn trong năm đầu, giúp các em dễ dàng hòa nhập với môi trường mới.

Bên cạnh việc học các môn cơ bản, nhà trường cũng đồng thời bổ sung các môn học về rèn luyện kỹ năng, làm việc nhóm. Các câu lạc bộ học tập, hoạt động xã hội cùng các môn học đại cương sẽ được lồng ghép và trải dài suốt các năm học. 

“Chúng tôi chủ động thiết kế chương trình để sinh viên làm quen với phương pháp học tập khi mới vào trường. Mỗi năm, nhà trường tổ chức các buổi đối thoại để sinh viên chất vấn ban giám hiệu. Mỗi lớp đều có cố vấn học tập để giải đáp mọi tâm tư, tình cảm, thắc mắc cho các em", ông Thạc nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn