MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giờ học môn âm nhạc của học sinh lớp 10 một trường THPT tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Chương trình lớp 10 mới: Thiếu trầm trọng giáo viên môn nghệ thuật

HUYÊN NGUYỄN LDO | 09/04/2022 08:38
Khan hiếm giáo viên dạy các môn học mới đang là thách thức với ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10 trong năm học tới. Trước câu hỏi của Lao Động về bao giờ hết tình trạng “ăn đong”, nhiều lãnh đạo Sở GDĐT chỉ biết lắc đầu...

Thiếu giáo viên dạy Nghệ thuật

Năm học 2022 - 2023, toàn quốc sẽ bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Ở lớp 3, lần đầu tiên môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc; ở lớp 10, lần đầu tiên có môn Nghệ thuật (gồm 2 phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật) được đưa vào là môn học tự chọn.

Mặc dù chương trình ban hành năm 2018, các địa phương đã có ít nhất 3 - 4 năm chuẩn bị nhưng hầu hết địa phương thiếu giáo viên môn nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) ở cấp THPT. Ở các bậc học, tình trạng thiếu giáo viên Tin học, Tiếng Anh vẫn còn là bài toán chưa giải quyết được trong nhiều năm qua.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM - cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT có điểm hấp dẫn, tiến bộ khi cho học sinh được chọn môn học yêu thích nhưng thực tế điều kiện tại các trường về hạ tầng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn hạn chế, đặc biệt là ở môn Nghệ thuật nên rất khó để đáp ứng được đầy đủ các lựa chọn của học sinh.

Điển hình là các môn nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bậc THPT cần có 2 tiết/tuần nhưng hiện không có giáo viên. Trong khi đó, số lượng học sinh mong muốn được học môn học này không phải ít. Vì vậy, theo Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, cần phải nghiên cứu cơ chế đặt hàng đào tạo để có lực lượng tham gia dạy học thời gian tới ở bậc THPT.

“Mới đây, Sở GDĐT TPHCM đã làm việc với Trường Đại học Sài Gòn và hiện tại trường cũng chưa đào tạo một lớp nào giáo viên môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) ở cấp THPT. Chúng tôi đã đặt hàng với Trường Đại học Sài Gòn đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đang dạy THCS để đáp ứng việc dạy chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT. Khi đó, các giáo viên THCS sẽ thỉnh giảng ở bậc THPT” - ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM cũng cho hay, việc này không đơn giản do ngay cả giáo viên bậc THCS cũng đang thiếu.

“Một trường đại học có chỉ tiêu 40 sinh viên/năm nhưng chỉ tuyển được 20 người học. Số người học này lại không phải đi dạy hoàn toàn mà có bạn hoạt động nghệ thuật bên ngoài để có thu nhập tốt hơn. Lâu nay, chúng ta đang rất hiếm giáo viên dạy nghệ thuật nhưng cơ chế thỉnh giảng chưa được đẩy mạnh” - ông Hiếu phân tích.

Về dạy chương trình mới khác như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hiệu trưởng các trường sẽ phân công những giáo viên có kinh nghiệm để nghiên cứu giảng dạy. Tại TPHCM, giáo viên dạy ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 cũng đang còn thiếu.

Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là môn Nghệ thuật cũng xảy ra ở hầu khắp các địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La, 2 năm qua, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để tuyển mới giáo viên nhưng có rất ít hồ sơ nộp vào. Sở cũng đã làm việc với Trường Đại học Tây Bắc về đào tạo và cung ứng nhân lực cho địa phương, tuy nhiên, với ngành học như Âm nhạc, Mỹ thuật khi ra trường có thể có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập hấp dẫn hơn về miền núi dạy học nên sinh viên không lựa chọn.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn Nghệ thuật, Sở GDĐT Sơn La xây dựng kế hoạch bố trí, điều động giáo viên bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các trường; chỉ đạo các trường THPT chủ động hợp đồng với một số giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đang dạy THCS trên địa bàn, nếu đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục giao bổ sung chỉ tiêu biên chế, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy học để từng bước nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của học sinh.

Luân chuyển giáo viên, đặt hàng đào tạo

Để đáp ứng nhu cầu giáo viên cho chương trình mới, Sở GDĐT tỉnh An Giang phối hợp với Trường Đại học An Giang tổ chức lớp bồi dưỡng giáo viên dạy tin học và công nghệ cho cấp tiểu học, chuẩn bị cho việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên cấp THCS dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý theo chương trình bồi dưỡng của Bộ GDĐT ban hành. Sở này cũng phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học để tiếp tục đào tạo và tuyển dụng giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật và tiếng dân tộc.

Trong đề án phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Nghệ An được phê duyệt mới đây, hiện địa phương này còn thiếu 4.605 giáo viên mầm non, 2.523 giáo viên tiểu học so với nhu cầu thực tế.

Cùng với đó, tỉnh chưa có giáo viên được đào tạo chuyên môn để đảm bảo dạy tất cả mạch kiến thức các môn học và hoạt động giáo dục mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học THCS. Giáo viên ở các môn học theo chương trình, giáo dục phổ thông 2018 đang thiếu, gồm: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục công dân.

Để đáp ứng nhu cầu giáo viên, trong vòng 8 năm tới, Nghệ An sẽ tuyển 13.307 giáo viên. Tỉnh này dự kiến sẽ đặt hàng để đào tạo 1.000 giáo viên các môn Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật bổ sung cho các địa phương ở vùng miền núi khó tuyển giáo viên.

Mặc dù các tỉnh đã đưa ra các biện pháp nhằm đáp ứng giáo viên cho chương trình mới tuy nhiên điều này chỉ giải quyết được phần ngọn, vẫn còn tình trạng “ăn đong” chứ chưa giải quyết được triệt để vấn đề thiếu giáo viên.

Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu xác định trong năm học đầu tiên áp dụng chương trình mới sẽ có khó khăn, vì thế sở đã chỉ đạo các trường THPT xây dựng các tổ hợp môn mà mình có khả năng đáp ứng và công khai trước khi học sinh chọn nguyện vọng.

Trước câu hỏi của Lao Động về bao giờ hết tình trạng “ăn đong”, nhiều lãnh đạo Sở GDĐT chỉ biết lắc đầu. Để việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, tránh tình trạng “ăn đong” như hiện nay, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo Sở GDĐT có những tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022 - 2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn