MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Thu và các em học sinh nhỏ tại điểm trường Sáng Pao. Ảnh: Hoàng Long

Chuyện cô giáo để hai con thơ ở nhà, lên núi cắm bản dạy học

Hoàng Long LDO | 21/11/2022 06:00

Chuyện cô giáo Đồng Hương Thu (SN 1993, Trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Xà Hồ) cắn răng để hai con thơ ở lại thành phố Yên Bái, đến huyện nghèo Trạm Tấu thực hiện nhiệm vụ cắm bản dạy học, khiến nhiều người xúc động, nể phục.

Trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Xà Hồ nằm sâu giữa những dãy núi trập trùng của xã đặc biệt khó khăn Xà Hồ, huyện nghèo Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. 

Trường hiện có hơn 900 học sinh, trong đó, gần 300 em thuộc khối cấp I đang học tập tại điểm trường thôn Sáng Pao (cách trường chính khoảng 8km), trong chính những dãy phòng học khang trang với đầy đủ thiết bị dạy và học vừa được khánh thành hồi tháng 7.2022.

Nếu như trước đây, điểm trường thôn Sáng Pao vốn đã xa xôi lại thiếu thốn, nhà tôn dột nát, thiết bị hư hỏng, thì nay mọi thứ đã trở nên khác biệt.

Nhờ có sự hỗ trợ của Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng và một số nhà hảo tâm, không khí dạy và học tại Sáng Pao giờ đây đã sôi nổi, thuận lợi hơn rất nhiều. Dù thực tế, tại điểm trường, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhiều em vẫn chưa nói được tiếng phổ thông.

Trong gần 300 học sinh theo học tại đây, chiếm hơn một nửa là diện theo học bán trú. Tiếng là bán trú nhưng thực tế là nội trú, các em ăn ở sinh hoạt tại trường từ thứ 2 đến thư 6 hằng tuần. Vì đều còn rất nhỏ, nên khi tiếng trống trường cất lên, các giáo viên như là các ông bố, bà mẹ, chăm bẵm bữa ăn, giấc ngủ cho các em.

Bà Nguyễn Thị Bắc - Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS xã Xà Hồ - cho biết: “Điểm trường Sáng Pao đưa vào sử dụng giúp nhà trường và các học sinh bớt nhiều vất vả. Chất lượng học vì thế được nâng cao rất nhiều”.

Bà Bắc dẫn chúng tôi đến gặp cô giáo trẻ Đồng Hương Thu, tự hào giới thiệu: “Cô Thu có 9 năm dạy học tại miền núi. Chồng con ở TP.Yên Bái nhưng vẫn quyết tâm ở lại đây cũng vì thương đám trẻ”.

Tâm sự với PV, cô Thu cho biết, may mắn nhất của mình là được chồng và gia đình chồng thông cảm, thấu hiểu. Chính vì thế, sau hơn 4 năm trong cảnh xa chồng, vắng con, cô vẫn cố thu xếp, vun vén để mọi việc trong trạng thái cân bằng.

Theo lời cô Thu, cứ cuối tuần cô đi xe khách, hoặc đi xe máy mất khoảng 3 giờ đồng hồ để về với gia đình, làm mẹ của 2 bé gái sinh đôi xinh xắn, đáng yêu. Còn những ngày trong tuần, cô lại thành mẹ của gần 200 học sinh bán trú tại điểm trường Sáng Pao.

Cô Thu kể: “Trẻ em người mông vào lớp 1 thì phần lớn các con không biết nói tiếng Việt. Nhiệm vụ của giáo viên là phải giúp các con nói được tiếng Việt trước rồi mới tính đến việc học chữ. Rất vất vả vì bất đồng ngôn ngữ. Nhưng trong nếp sinh hoạt thì các con rất ngoan, tự giác, rất tuân thủ theo tiếng trống điểm”.

Cũng theo cô Thu, nhiều lúc chăm đám trẻ, đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, gội đầu… cô lại nhớ và thương đến buốt ruột hai đứa con ở nhà thiếu bàn tay mẹ. Thèm thuồng cảm giác được ôm ấp các con, rồi mình lại chăm các em học sinh ở đây cho vơi thương nhớ.

Nói về ngày 20.11, bà Bắc cười: “Giáo viên vùng cao thì chỉ có các cô, các thầy tự mừng cho nhau. Mừng hơn thì có các lãnh đạo, sở, ban, ngành có lời chúc, bó hoa. Chứ phụ huynh vùng cao thì gần như không có khái niệm ấy”. 

Còn cô Thu kể, làm giáo viên được 9 năm, chưa năm nào cô được học sinh hay phụ huynh gửi lời chúc nhân ngày đặc biệt này. Chỉ có một lần, cô được một học sinh cũ (lúc đó đã lên cấp 2) đi ngang đường thì hái tặng cô một bó hoa dã quỳ màu vàng rực, e thẹn đem tặng. Món quà nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, khiến cô Thu nhớ mãi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn