MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên cần một phương pháp học tập đúng đắn để phát huy hiệu quả. Ảnh: Văn Lang

Chuyên gia chỉ cách chọn kiến thức học hiệu quả giữa sự bao la của tri thức

HUYÊN NGUYỄN LDO | 25/12/2022 09:58

Nhiều sinh viên Việt Nam còn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm giải quyết vấn đề, chính vì thế, giữa “biển” kiến thức mênh mông hiện nay, rất cần một phương pháp học tập đúng đắn để phát huy hiệu quả.

Sinh viên còn nặng về “biết”, nhẹ về “hiểu”

Đánh giá kiến thức là bao la, vô bờ bến, bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển TPHCM nhấn mạnh việc mỗi người phải có phương pháp tư duy và giải mã. Bà Ninh chia sẻ rằng tiếng Việt có từ rất hay, đó là “hiểu biết” và đánh giá sinh viên Việt Nam đang nặng về biết, nhẹ về hiểu. Một sinh viên cần phải hiểu biết sâu lĩnh vực của mình làm việc và phát triển.

“Tiếng Việt có từ rất hay là “hiểu biết”. Biết thôi thì chưa đủ mà biết thì phải hiểu. Làm sao hiểu thì phải trở về phương pháp tư duy. Đó chính là cách để chúng ta giải mã. Tôi cho rằng, sinh viên Việt Nam cần phải phấn đấu nhiều. Các bạn còn nặng về biết, nhẹ về hiểu”, bà chia sẻ.

Theo bà, sinh viên cần giải mã, phân biệt được điều gì là chính yếu, là then chốt cho việc mình đang muốn tìm hiểu để có con đường học tập, tiếp thu kiến thức đúng đắn.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển TPHCM. Ảnh: Văn Lang

Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển TPHCM còn đề cập tới một số kỹ năng quan trọng khác là kỹ năng xã hội và cảm xúc. Theo bà, cần phải nhìn nhận kỹ năng đó trong tổng thể của các kỹ năng cần được trang bị cho sinh viên. Chúng ta cần hiểu những điều đã xảy ra trên thế giới ở các góc nhìn. Ví dụ, ứng phó với COVID-19 thì không chỉ nói về y học, dược học mà cần phải hiểu tại sao mỗi nước, mỗi nền xã hội phương Đông và phương Tây lại có những cách ứng xử khác biệt, xuất phát từ khía cạnh văn hóa, tổ chức nhà nước….

Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Xuân Liên – thành viên HĐQT Công ty Vàng bạc đá quỹ PNJ cho rằng, ở thời đại mới, chúng ta phải dạy cho học trò về tư duy, những kỹ năng, về cảm xúc.

“Làm sao để sinh viên có khả năng nhìn nhận, định hướng nào là quan trọng, là ưu tiên. Trong thế giới bao la với không biết bao nhiêu thông tin mỗi ngày thì cần xác định thông tin nào nhận, thông tin nào không nhận, thông tin nào chọn để đọc. Đó là cả một kỹ năng. Hiểu mình đang cần cái gì, hiểu về xã hội xung quanh, từ đó, sự quản trị bản thân sẽ tốt lên, biết cần phát triển từ đâu. Qua đó, biết cách chọn lọc để học hỏi”, bà Liên nói.

Bà Liên bật mí tại PNJ luôn phát triển tư duy học, học nữa và học mãi, không đóng kín, luôn cởi mở. Ngay cả những lãnh đạo công ty cũng đều rất cởi mở, mọi người đều có thể nói quan điểm của mình. Sự cởi mở của các lãnh đạo tạo ra một văn hoá của sự chia sẻ, ghi nhận và tri thức được chia sẻ lẫn nhau để đáp ứng thay đổi vô cùng nhanh chóng của xã hội.

Bỏ tư duy cũ, học cách tiếp cận mới

Bà Phan Tú Quyên – Giám đốc vận hành và thành viên ban lãnh đạo Microsoft Việt Nam chia sẻ bí quyết thành công, văn hóa của Microsoft chính là tư duy phát triển với một niềm tin: Tư duy có khả năng phát triển để mỗi chúng ta sẽ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày, để có thể cống hiến nhiều hơn. Điều đó tạo ra một văn hóa học tập, phải bỏ đi cách làm cũ, cách tư duy cũ và phải học cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề.

“Tôi cho rằng sự học là mãi mãi, công nghệ, thế giới chắc chắn còn thay đổi. Vì thế, các bạn sinh viên cần hiểu rằng mình phải luôn luôn học”, bà Quyên nhấn mạnh.

Bà Phan Tú Quyên nhấn mạnh việc bỏ tư duy cũ, học cách tiếp cận mới. Ảnh: Văn Lang 

Nữ doanh nhân cũng chỉ ra điểm yếu của sinh viên hiện nay còn thiếu là kỹ năng giải quyết vấn đề, tức là mình biết và hiểu nhưng chưa đưa ra được phương án giải quyết. Do đó, trường học cần bổ sung thêm nhiều bài toán cụ thể, từ bé đến lớn và hướng tới giải quyết những vấn đề của xã hội. Các cách giải quyết không nhất thiết phải đúng nhưng chúng ta phải tập tư duy để khi ra môi trường làm việc thì các bạn có thể hoàn thiện một cách nhanh hơn” - bà Phan Tú Quyên chia sẻ.

Một điểm cần khắc phục khác được lãnh đạo Microsoft Việt Nam chỉ ra là nhiều sinh viên Việt Nam còn thiếu tính chủ động, hay đi theo số đông và đợi chương trình có sẵn. Theo bà Quyên, sinh viên phải biết thế mạnh của mình, xây dựng được kế hoạch, chiến lược riêng, phải chủ động để phát triển tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn