MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức chiết khấu quá cao sẽ tác động đáng kể đến giá sách giáo khoa. Ảnh: Vân Trang

Chuyên gia đề xuất giải pháp giảm mức chiết khấu giá sách giáo khoa

trà my LDO | 09/08/2023 06:00

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), mức chiết khấu sách giáo khoa ảnh hưởng đến giá bán. Bài toán đặt ra là làm sao để giảm mức chiết khấu này.

Mức chiết khấu cao tác động đáng kể tới giá sách giáo khoa

Theo văn bản kê khai giá của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa theo Chương trình phổ thông mới từ năm 2020 đến nay là 23% cho sách giáo khoa lớp 1, 2, 6; 22,5% cho sách giáo khoa lớp 3, 7, 10. Còn sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 có mức chiết khấu 21%.

Cô Nguyễn Thu Hương - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) cho biết, mức chiết khấu cao ảnh hưởng tới giá bán ra thị trường. Trong khi đó, giá sách giáo khoa có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

"Giá sách quá cao sẽ trở thành gánh nặng cho phụ huynh, đặc biệt với những em có hoàn cảnh khó khăn" - cô Hương nói.

Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính - nhìn nhận, sở dĩ mức chiết khấu sách giáo khoa lên đến 23% là do đã bao gồm các chi phí in ấn, phát hành...

"Nhìn chung các loại sách phát hành ra đều có mức chiết khấu cao, thậm chí có đầu sách lên tới 30%. Đối với sách giáo khoa, từ trước đến nay luôn giữ mức chiết khấu trong khoảng nêu trên. Mức chiết khấu cao đương nhiên sẽ làm giá sách giáo khoa nhảy vọt theo. Điều này luôn là sự trăn trở của cả một tập thể, từ người viết sách, đơn vị phát hành cho tới người mua" - ông Thịnh nhấn mạnh.

Làm thế nào để hạ thấp mức chiết khấu?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính. Ảnh: Anh Huy

Theo ông Thịnh, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn. Do đó, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân.

"Phải khẳng định sách giáo khoa là công cụ phục vụ cho nhu cầu đào tạo, nhu cầu giáo dục của đất nước. Tôi nghĩ Bộ GDĐT cần phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của giáo khoa theo quy định để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá sách. Đây là giải pháp quản lý giá, giảm mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa" - ông Thịnh cho biết.

Để hạ thấp mức chiết khấu của sách giáo khoa nhưng vẫn hài hoà lợi ích của các đơn vị xuất bản, theo ông Thịnh, phải có sự thay đổi từ các nhà quản lý thông qua các cơ chế chính sách.

"Thay đổi cần thực hiện từ cơ chế, trong đó có quản lý phân phối, chiết trừ trong khâu phát hành sách cũng như các chi phí có liên quan thì mới hy vọng một mức giá ổn định.

Tuy nhiên, mức giá này cần đảm bảo hài hoà lợi ích cho người dân, nhưng cũng phải tương xứng với những chi phí mà phía nhà xuất bản bỏ ra để trả cho đội ngũ tác giả viết sách, biên soạn sách, thực hiện khâu in ấn, phát hành" - ông Thịnh bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn