MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo các chuyên gia giáo dục, với dữ liệu khổng lồ, ChatGPT là người trợ lý rất đắc lực cho học sinh và giáo viên. Ảnh: Hoài Anh

Chuyên gia giáo dục: Cấm sinh viên sử dụng ChatGPT là quan điểm bảo thủ

Vân Trang LDO | 14/02/2023 06:00
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, ChatGPT là công cụ hỗ trợ con người học tập, làm việc hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với lĩnh vực giáo dục.

Nên sử dụng đúng cách thay vì cấm

Tại Toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” diễn ra chiều 13.2, mỗi diễn giả tham dự đã bày tỏ, chia sẻ những góc nhìn riêng. Tuy vậy, đa số chung quan điểm, ChatGPT không thể thay thế con người, mà là công cụ hỗ trợ con người học tập, làm việc hiệu quả hơn.

TS Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX khẳng định, mục tiêu cuối cùng của giáo dục là tự học. Có ChatGPT, sinh viên mạnh dạn đặt câu hỏi hơn.

Còn PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, hiện nay, việc một số trường cấm sinh viên sử dụng ChatGPT là quan điểm bảo thủ.

Công nghệ giúp việc giảng dạy tốt hơn, hiểu sinh viên hơn, thầy cô sẽ cùng trao đổi, thảo luận để nâng cao chất lượng đào tạo.

PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: MOET

Theo ông Tùng, hiện nay, nhiều sinh viên có kỹ năng viết bài luận cuối môn học rất kém, thậm chí nếu để các em tự viết và chấm thẳng tay, khó đạt điểm mức trung bình (điểm 5). Dù có kiến thức nền nhưng mức độ diễn đạt thành bài luận hoàn chỉnh rất kém.

Tuy nhiên, nếu biết cách sử dụng nguồn dữ liệu từ ChatGPT các em có thể cải thiện bài luận, nội dung phong phú hơn, sáng tạo hơn để đạt được 7 điểm trở lên, "kiến thức hoàn toàn của các em, ChatGPT chỉ đóng vai trò diễn đạt, phong phú câu văn, nội dung bài luận".

"ChatGPT tốt hay xấu là do cách và mục đích sử dụng của người học. Chúng ta nên kỳ vọng đây là công cụ để sinh viên học tốt hơn, làm nền cho sự tiến bộ" - Phó giáo sư Tùng chia sẻ.

GS Rohit Verma, Hiệu trưởng VinUni, cũng bày tỏ quan điểm: "Khi sức nóng của ChatGPT lan tỏa khắp nơi, chúng tôi không tranh cãi tốt hay xấu, mà nghiên cứu để ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo này vào dạy học như thế nào, dạy sinh viên sử dụng đúng cách, hiệu quả.

Trường sẽ nhanh chóng có những buổi học hướng dẫn giảng viên, sinh viên sử dụng hiệu quả nhất ChatGPT vào nghiên cứu, học tập, sử dụng có trách nhiệm cũng như đề cao tính liêm chính trong học thuật, "nói không với đạo văn".

ChatGPT là người trợ lý rất đắc lực cho học sinh và giáo viên

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, cần có lộ trình nhất định đối với việc ứng dụng công nghệ nhân tạo vào đổi mới giáo dục. Sự nhất quán trong quản lý cũng cần quan trọng. Đây cũng được xem là cơ hội tiếp tục đổi mới nhận thức trong đội ngũ giảng viên về yêu cầu dẫn dắt, khả năng truyền thụ.

Nhìn nhận ChatGPT như một cơ hội cho giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, giáo viên có thể giải phóng những công việc lặp đi lặp lại, tạo ra những cơ hội mà thầy cô và học sinh chưa kịp đề cập trong thời gian lên lớp.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT Thành phố Hồ Chí Minh lại nhìn nhận, trí tuệ nhân tạo giúp cho thầy cô có nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức, tuy nhiên, cần phát huy thế mạnh để học sinh phát huy được phẩm chất, năng lực mà không bị lệ thuộc vào công nghệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn