MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều sinh viên đi làm thêm để tăng thu nhập. Ảnh: Phan Liên

Chuyên gia nêu giải pháp giúp sinh viên kiếm tiền đúng cách

Phan Liên LDO | 02/03/2023 06:38

Nhiều bạn sinh viên thường không tự chủ được tài chính của bản thân mình và trở nên bối rối, không biết đi làm thêm kiếm tiền hay tập trung vào việc học.

Loay hoay tìm kiếm công việc làm thêm

Ngay từ khi mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội học tập, sinh sống, Nguyễn Minh Hạnh (quê Thái Bình) đã dự tính, ngoài việc đi học, em sẽ lựa chọn 1 công việc làm thêm để có thêm thu nhập. Dự định là vậy, nhưng tìm kiếm công việc phù hợp với mức lương mong muốn không phải điều dễ dàng.

"Nếu làm việc đúng chuyên ngành theo học thì lương rất thấp vì kinh nghiệm em chưa có. Em được bạn bè giới thiệu làm ở quán cà phê, nhân viên bán hàng, lương cao, lại được chủ động thời gian" - Hạnh chia sẻ.

Sau 3 năm học đại học, ngoài giờ lên lớp, Minh Hạnh vẫn chăm chỉ làm thêm. Công việc em lựa chọn là nhân viên bán hàng tại 1 cửa hàng quần áo gần trường với mức lương 18.000 đồng/giờ. Dù chăm chỉ làm việc, chịu khó làm tăng ca vào cuối tuần, nhưng thu nhập của Hạnh không được như kỳ vọng. 

Nguyễn Đức Huy, sinh viên năm cuối Trường Đại học Giao thông vận tải cũng loay hoay tìm cách tăng thu nhập từ việc làm tài xế công nghệ.

"Công việc hiện tại không giúp ích cho việc học trên lớp nhưng giúp em có thu nhập trang trải cho cuộc sống. Cũng đã nhiều lần em băn khoăn, liệu rằng mình có nên dừng công việc làm thêm, tập trung cho việc học hay không?" - Đức Huy bày tỏ sự lo lắng.

Bật mí cách tăng thu nhập

Ths.Hoàng Hồng Hạnh, chuyên gia giáo dục tài chính và truyền thông (DSIK Đông Nam Á) đánh giá, việc sinh viên vừa học, vừa làm thêm sẽ giúp các bạn có thêm thu nhập và các mối quan hệ trong công việc, tích lũy nhiều kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả. Đây là điều kiện tốt để sinh viên tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường.

Sinh viên đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dù ủng hộ việc sinh viên đi làm thêm để tích luỹ kinh nghiệm, rèn kĩ năng, bà Hạnh thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế của việc vừa đi học, vừa đi làm.

Cụ thể, nếu không biết cách cân đối giữa đi học, đi làm, sinh viên sẽ không còn nhiều thời gian học tập, sức khỏe bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, sinh viên còn bị hạn chế thời gian tham gia các hoạt động trong trường và xã hội.

Bà Hạnh cho rằng, để giảm thiểu tối đa những mặt tiêu cực trong quá trình vừa học, vừa làm thêm, sinh viên cần ghi nhớ 3 điều sau:

Thứ nhất, việc đi học luôn cần phải ưu tiên vì đã trả học phí. Đây là khoản đầu tư cho kiến thức và công việc tương lai của sinh viên. Chúng ta chỉ nên đi làm khi đã làm chủ được thời gian của mình.

Thứ hai, cần xây dựng định hướng, tìm được công việc phát huy thế mạnh của bản thân, tăng cường kinh nghiệm và kỹ năng của mình để hướng tới mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

Cuối cùng, mỗi sinh viên cần phải biết quản lý thu - chi thật tốt để khi tích lũy được có thể học cách đầu tư nhằm tăng thu nhập của mình.

"Định hướng về tương lai để biết rõ về ưu, nhược điểm, về công việc mà bạn mong muốn luôn là điều cần thiết của sinh viên hiện nay" - Ths.Hoàng Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn