MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia ngôn ngữ nói về SGK không dạy chữ P: Cải tiến hay cải lùi?

Thiều Trang - Tường Vân LDO | 27/02/2022 22:14

"Cách đây hơn bốn mươi năm, người ta đã dạy âm p (âm pờ) và chữ P (chữ pê) rất kỹ. Cải tiến như vậy thì đúng với câu dân gian thường nói là cải tiến hóa thành cải lùi" - PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cho biết.

"Việc dạy chữ P phải được quan tâm một cách bình đẳng với các chữ khác"

Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông lại khẳng định - việc không dạy chữ P như nhiều phản ánh là một sai lầm quan trọng.

Theo đó, trong các kết quả nghiên cứu về ngữ âm học tiếng Việt từ cuối thế kỷ trước, âm p được coi là âm mượn từ nước ngoài. Nói cách khác, người ta quan niệm đó là âm không có trong tiếng Việt. Về bản chất, nó là phụ âm môi - môi, khi phát âm hơi bật ra nên gọi là phụ âm bật hơi, tắc vô thanh. Nhưng đó là nhìn nhận p với tính chất là phụ âm đầu.

Trong cấu tạo âm tiết tiếng Việt, p còn tham gia với tư cách là phụ âm cuối. Nó có mặt trong rất nhiều từ như: khiếp (khiếp đảm, khiếp vía, khiếp hãi), tiếp (tiếp nhận, tiếp theo, tiếp tục). Đặc biệt, nó có mặt trong nhiều từ láy như: chiêm chiếp, thiêm thiếp,...

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông. Ảnh: NVCC

Theo Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, trên phương diện từ vựng, vào thời điểm đó, các kết quả nghiên cứu cho thấy, các từ có âm p mở đầu tồn tại rất ít. Đó là các từ như: pinh pông (bóng bàn), pô pô lin, pê ni xi lin,… Nhưng đến nay, số lượng các từ có âm p từ nước ngoài vào Việt Nam ngày một tăng lên. Việc không dạy âm p trong sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối là chủ trương không đúng và lạc hậu với tình hình. Việc chỉ giới thiệu các từ có âm p là chưa đủ mà phải dạy nó với tư cách là một phụ âm đầu.

“Cải tiến hóa thành cải lùi”

Phân tích cụ thể về âm p, PGS Đạt nói - âm p có hai chức năng. Chức năng thứ nhất là chức năng mở đầu âm tiết, nên gọi là phụ âm đầu (gọi tắt là âm đầu). Chức năng thứ hai là chức năng đóng âm tiết nên gọi là phụ âm cuối (gọi tắt là âm cuối).

"Nếu hiểu như thế thì dạy âm p và chữ P, cần phải dạy cả hai chức năng, không thể dạy theo cách của Tổng chủ biên bộ Kết nối quan niệm" - PGS Đạt nói, đồng thời đưa ra tư liệu tham khảo là “Sách học vần” năm 1977 và 1981.

 "Sách học vần" năm 1977 và 1981. Ảnh: NVCC

Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cũng cung cấp thêm một số tư liệu SGK của miền Nam thời chưa giải phóng và nói: "Có thể thấy có điểm giống nhau trong SGK của Tổng chủ biên Tiếng Việt 1 bộ Kết nối giống cuốn "Em học vần" xuất bản năm 1958".

 Cuốn "Em học vần" xuất bản năm 1958. Ảnh: NVCC

"Cách đây hơn 40 năm, người ta đã dạy âm p và chữ P rất kỹ. Cải tiến như vậy thì đúng với câu dân gian thường nói là "cải tiến hóa thành cải lùi". Đặc biệt là lùi tới 70 năm, trong khi bối cảnh lịch sử cũng như các thành quả nghiên cứu về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã khác nhiều. Giả thuyết coi âm p là âm ngoại lai đã đến lúc cần xem xét lại" - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông nêu quan điểm.

Ông cũng khẳng định các ý kiến của thầy Đào Quốc Vịnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) phù hợp với lý luận hiện đại và đề nghị các tác giả SGK bộ Kết nối nên tiếp thu, chỉnh sửa. 

Giáo viên tự điều chỉnh

Trước thông tin dư luận phản ánh sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" (bộ Kết nối) không dạy chữ P, cô Nguyễn Phương Linh - giáo viên lớp 1 tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết:

“Năm nay là năm thứ 2 trường tôi dạy bộ sách Kết nối. Đúng là SGK không tách riêng biệt bài học về chữ P, nhưng trong quá trình dạy, giáo viên chúng tôi sẽ điều chỉnh, dạy P trong bài dạy "Ph-ph, Qu-qu". Vì thế ý kiến cho rằng giáo viên không dạy chữ P cho học sinh là vô lý vì các từ có phụ âm đầu là âm p từ xưa đến giờ vẫn được sử dụng, thậm chí các tên riêng cũng được quốc tế công nhận và có trong SGK, chẳng hạn như: đèn pin, Sa Pa,…

Trước khi học âm Ph, các em được luyện đọc âm p, chứ không học chữ P riêng và giáo viên chúng tôi sẽ đưa ra các ví dụ, ứng dụng riêng cho âm đầu p để các em làm quen.

Do đó, nếu chỉ nhìn vào tiêu đề bài học mà tác giả đưa ra rồi khẳng định giáo viên không dạy chữ P cho học sinh là hoàn toàn sai” - cô Linh chia sẻ.

Một giáo viên khác tại Thanh Hóa cũng cho biết, trong quá trình tập huấn, tinh thần chung là giáo viên tự điều chỉnh linh hoạt nội dung để phù hợp với học sinh. Theo đó, không có ai đề cập đến vấn đề chữ P. Sau 2 năm dạy học, bây giờ mới phát hiện ra vấn đề này, nhưng thực tế là không ảnh hưởng nhiều đến bài dạy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn