MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự kiến ngày 22.11, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố các bộ sách giáo khoa lớp 1 đã được công nhận đạt chuẩn sau khi thẩm định. Ảnh minh họa: Thanh Tùng

Chuyên gia quốc tế đánh giá về việc thẩm định sách giáo khoa của Việt Nam

Bích Hà LDO | 21/11/2019 06:30

Theo GS.TS Amanda Simpson – chuyên gia về sách và xuất bản của tại nhà xuất bản Harper Collins (Vương quốc Anh), công tác tổ chức thẩm định sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Việt Nam là cách mà nhiều nền giáo dục tiên tiến đã và đang làm.

Sách giáo khoa phải được thẩm định bằng các tiêu chí cụ thể

GS.TS Amanda Simpson cho biết, sách giáo khoa là hiện thân của chương trình giáo dục phổ thông, là tài liệu để giáo viên dựa vào đó biết mình cần dạy kiến thức gì cho học sinh. Sách giáo khoa hiện đại còn phải hỗ trợ giáo viên sử dụng các kỹ thuật và phương pháp dạy học phù hợp. Đây là tính năng mà nhiều sách giáo khoa trước đây không có.

Trong khi đó, không phải giáo viên nào cũng có thể biết cách lựa chọn các phương pháp dạy học phù hợp để giảng dạy hiệu quả những nội dung yêu cầu trong sách giáo khoa, nếu không được hướng dẫn và hỗ trợ thường xuyên.

Sách giáo khoa hiện đại do đó phải bao gồm nhiều hơn bản chất kiến thức môn học; tức là có thêm hướng dẫn sư phạm. “Những yêu cầu về kiến thức môn học và đề xuất sư phạm cần được cụ thể hóa thành các tiêu chí/chỉ báo, nhằm cung cấp cơ sở đánh giá rõ ràng về những gì cần được đưa vào sách giáo khoa. Tính cụ thể của các chỉ báo rất hữu ích cho việc biên soạn và thẩm định sách”, GS.TS Amanda Simpson nói.

Chuyên gia về sách và xuất bản của Vương quốc Anh cho biết, trong bộ chỉ báo dành cho sách giáo khoa, những tiêu chí khung nhằm đảm bảo tính nhất quán theo các định hướng lớn của chương trình giáo dục phổ thông, yêu cầu về cấu trúc bài học, về tránh định kiến… cần được quy định cụ thể, nghiêm ngặt. Tuy nhiên, bộ tiêu chí này đồng thời cần có tính “mở” để các tác giả sách và giáo viên được linh hoạt, sáng tạo trong cách thể thể hiện, lựa chọn nguồn học liệu và phương pháp giảng dạy.

“Ở Anh trong vài năm qua Chính phủ đã giới thiệu sách giáo khoa môn Toán mặc dù các trường học có thể chọn mua sách giáo khoa khác nếu muốn. Tiến trình đưa sách giáo khoa này vào danh sách lựa chọn được quy định chặt chẽ theo các đề mục như: phạm vi chương trình giáo dục; cấu trúc bài học và ngôn ngữ sử dụng; các bài tập thực hành; hỗ trợ giáo viên…”- chuyên gia về sách và xuất bản của Vương quốc Anh nói.

Đánh giá chi tiết bộ chỉ báo dành cho sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Việt Nam đang áp dụng, GS.TS Amanda Simpson cho biết, về cơ bản đã phù hợp nhưng cần bổ sung thêm một số chi tiết; một vài nội dung cần diễn đạt cụ thể, tường minh hơn để Hội đồng thẩm định thuận lợi trong đánh giá sách.  

Các bản mẫu sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thành viên Hội đồng thẩm định được tập huấn kỹ lưỡng

Cũng theo GS.TS Amanda Simpson, nhiều nước khi tổ chức thẩm định sách giáo khoa ở cấp độ quốc gia đều tập huấn kỹ lưỡng cho thành viên Hội đồng thẩm định.

Trong tập huấn, các thành viên sẽ được cung cấp bộ tài liệu khung về các yêu cầu lớn đối với sách giáo khoa, bộ chỉ báo tiêu chuẩn dành cho sách giáo khoa và tài liệu chương trình giáo dục mà sách giáo khoa phải tuân theo.

Thành viên Hội đồng sẽ thảo luận mọi khía cạnh của tài liệu chỉ báo để có được sự hiểu biết phong phú, toàn diện và chung nhất về các yêu cầu đối với sách giáo khoa.

Chia sẻ về thực tế cách thức chuẩn bị thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, theo PGS-TS Phạm Thị Hồng Nhung – Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Anh, quy trình thực hiện cũng đúng như cách mà GS.TS Amanda Simpson nêu ra.

Theo đó, trước khi chính thức thẩm định sách, cô Nhung và tất cả thành viên các Hội đồng khác đều được tập huấn cụ thể, bài bản về chương trình tổng thể, chương trình môn học, những yêu cầu, tiêu chí mà bộ sách giáo khoa cần tuân theo.

“Đây là bước rất quan trọng và thực tế đã tạo ra hiệu quả tốt khi giúp các thành viên hội đồng có cách hiểu đầy đủ và thống nhất về tiêu chí, cách thức áp dụng các tiêu chí đó để đánh giá sách giáo khoa sao cho khoa học, khách quan nhất.

Ngoài được tập huấn chung với Hội đồng thẩm định sách giáo khoa các môn học, mỗi Hội đồng chuyên môn còn thảo luận riêng để bàn bạc từng tiêu chí nhỏ trong yêu cầu với sách giáo khoa của bộ môn, nhằm đảm bảo mỗi thành viên không bị hiểu sai lệch các tiêu chí”- PGS.TS Phạm Thị Hồng Nhung nói.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Anh cho biết, việc tập huấn mang lại sự thống nhất trong cách hiểu của thành viên Hội đồng đối với các yêu cầu chung, định hướng lớn mà sách giáo khoa cần tuân theo. Nó không khiến các thành viên có duy nhất một cách hiểu, cách nhìn nhận khi đánh giá từng tiêu chí của bộ sách.

“Trong quá trình đánh giá bắt buộc phải có tiêu chí để mình đi theo nhưng các tiêu chí này không khiến cách nhìn nhận, đánh giá của các thành viên trong hội đồng bị giới hạn. Trước nhiều vấn đề, các thành viên vẫn có những ý kiến trái ngược, chúng tôi phải tranh luận mới thống nhất được vấn đề”- cô Nhung nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn