MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022. Ảnh: Vân Trang

Chuyên gia tư vấn cách ôn thi đánh giá năng lực đạt kết quả như ý

Tường Vân LDO | 17/01/2023 10:26

Nhiều chuyên gia nhận định, học tủ, học mẹo mà không hiểu bản chất khó đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Luyện thi chỉ giải quyết vấn đề tâm lý

Dự định sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội để xét tuyển đại học, Nguyễn Ngọc Anh - học sinh lớp 12 tại tỉnh Thanh Hoá đã cùng bạn bè trên lớp, lập nhóm ôn tập. 

Nữ sinh bày tỏ sự lo lắng khi thời gian qua, trong quá trình làm đề thi thử của 1 trung tâm trên mạng, em nhận thấy mình còn yếu môn Toán, Hoá, Sinh. 

"Môn Toán có nhiều câu hỏi không thực sự liên quan đến Toán và em chưa từng gặp trước đây. Điều này khiến em cảm thấy bối rối" - Ngọc Anh bày tỏ.

Chính vì lí do này, Ngọc Anh đã có suy nghĩ, liệu rằng có phải đi học thêm tại các lò ôn luyện mới đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi hay không. Những băn khoăn, thắc mắc của Ngọc Anh cũng là câu hỏi chung của nhiều bạn bè trong cùng độ tuổi. 

Về việc ôn luyện trước mỗi kỳ thi, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng, ông đã nhiều lần nhấn mạnh, việc ôn luyện tại các trung tâm, lớp luyện thi chỉ giải quyết vấn đề “tâm lý” của học sinh chứ không mang lại nhiều lợi ích.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

GS Thảo thông tin, kết quả thi năm 2022 cho thấy số lượng thí sinh đạt điểm trên 100/150 chiếm khoảng 8% tổng số lượt thi. Phần lớn đa số thí sinh đạt được điểm cao là thí sinh có kết quả học tập tốt trên lớp.

Tuy nhiên, cả phụ huynh và học sinh đều có tâm lý phải đi ôn luyện thi mới đạt kết quả khả quan, dẫn đến các lớp luyện thi được hưởng lợi.

Do đó, nếu như có bất kỳ thi nào diễn ra sẽ có lớp luyện thi ngay, từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tư duy, thi đánh giá năng lực, thi tuyển sinh đại học, thi tiếng Anh… đều có các lớp “luyện thi”.

"Kết quả của các kỳ thi khác chúng tôi không có ý kiến nhưng với ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực lớn, bài thi thiết kế theo hướng đánh giá năng lực học sinh thì việc theo học luyện thi chỉ giải quyết vấn đề “tâm lý” và “chỗ ngồi học” của thí sinh mà thôi" - GS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh.

Tránh học tủ, học mẹo

Liên quan đến việc ôn luyện đạt kết quả cao trước kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy 2023, đại diện các trường cũng đều khẳng định, trường không tổ chức ôn luyện, không xuất bản các ấn phẩm phục vụ ôn thi đánh giá năng lực, ngoại trừ bài thi tham khảo.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhận định, đánh giá tư duy hay năng lực đều là những kỳ thi với cách tiếp cận mới, bởi chương trình phổ thông hiện nay vẫn nghiêng về đánh giá kiến thức. Do vậy, cách ôn tập mẹo, nhanh chóng mà không hiểu bản chất rất khó đáp ứng hai loại bài thi đánh giá năng lực, tư duy.

Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng thí sinh cần học tốt và nắm chắc kiến thức phổ thông, bám chắc bài thi tham khảo và trường công bố.

Ông Thảo khuyên thí sinh nên làm đề tham khảo hai lần. Lần đầu là ngay khi trường công bố để biết mình có ưu thế và thiếu hụt kiến thức ở phần nào để tìm cách khắc phục. Trước ngày thi, thí sinh nên làm đề minh hoạ thêm một lần nữa, nhằm rèn kỹ năng làm bài và ghi nhớ các thao tác cần thiết.

Mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều đơn vị tổ chức bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Công an.

Trong đó, hai kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức với quy mô lớn, lên tới 70.000-100.000 lượt thí sinh, và được hàng chục trường đại học thông báo công nhận kết quả để xét tuyển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn