MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia tuyển sinh nói về loạt ngành học bị tiktoker cho là vô dụng

Thu Trang LDO | 21/03/2023 05:53

Nhiều ngành học được mạng xã hội liệt kê là vô dụng, học ra trường không có việc làm. Thế nhưng thực tế số liệu về đào tạo đã chứng minh điều ngược lại.

Học Quản trị kinh doanh, Marketing, Ngôn ngữ Anh là vô dụng?

Những video ngắn “hướng nghiệp” với chủ đề "những bằng đại học vô dụng” trên nền tảng TikTok thu hút hàng triệu lượt xem. Nhiều ngành học như Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự bị các tiktoker liệt kê là những ngành có bằng đại học vô dụng.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính - cho biết, nhiều năm trước, ngành Tài chính, Ngân hàng, Kinh tế được mạng xã hội liệt kê là vô dụng, học ra trường không có việc làm. Thế nhưng thực tế số liệu về đào tạo chứng minh điều ngược lại.

Ví dụ Học viện Tài chính vẫn tuyển sinh đầu vào với điểm xét tuyển cao. Thống kê trong những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 98% trở lên.

Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, để hỗ trợ học sinh cuối cấp, nguồn thông tin chính thống dự báo xu thế chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, dự báo nhu cầu nhân lực… đội ngũ tư vấn của các cơ sở đào tạo cần chủ động cung cấp thông tin, tư vấn để học sinh, phụ huynh có thông tin đáng tin cậy.

"Điều chủ yếu vẫn là ở các bạn học sinh. Theo tôi, các bạn cần sàng lọc thông tin, đừng vội tin vào mạng xã hội dẫn đến hoang mang" - PGS Tùng nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính. Ảnh: Bích Hà 

Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cũng khuyến cáo, để chọn được ngành nghề, trước hết các bạn trẻ cần hiểu mình mong muốn làm gì sau bốn năm đại học.

Ví dụ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thì nên học quản trị kinh doanh, muốn trở thành các chuyên gia thì học marketing, kiểm toán… Sau đó tìm hiểu những ngành đó có trường nào đào tạo và chọn các trường có uy tín hoặc khả năng đỗ cao.

Chọn ngành, chọn trường như thế nào?

Dành lời khuyên cho thí sinh, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng - thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường. 

"Mỗi sự lựa chọn sẽ có ưu điểm khác nhau, nhưng theo tôi thí sinh nên chọn ngành trước, bởi ngành học sẽ gắn bó với nghề nghiệp sau này.

Sau đó hãy chọn trường, trong số trường đào tạo ngành học đó mình sẽ ưu tiên chọn trường có chất lượng chuyên môn cao nhất làm nguyện vọng 1 và tiếp tục sắp xếp theo điều kiện cá nhân" - chuyên gia nói.

Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, thí sinh hãy chọn ngành chọn trường không hạn chế về số lượng nguyện vọng. Hãy đặt nguyện vọng ưu tiên nhất lên số 1.

 PGS Hương tư vấn ngành học cho thí sinh. Ảnh: Thu Trang

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng Phòng quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại Thương cũng tư vấn - thí sinh có thể lựa chọn lĩnh vực/ngành mình yêu thích, muốn học. Sau đó chọn các trường có ngành đào tạo đó và xếp thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Cô Hiền cũng lưu ý thí sinh, khi lựa chọn ngành nghề cần dựa trên 4 yếu tố: Năng lực cá nhân; nhu cầu nhân lực của ngành trong tương lai; sở thích và đam mê của cá nhân; điều kiện gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn