MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện nghề giáo: Khi thầy cô là người bạn đồng hành với học trò

Phùng Nhung LDO | 19/11/2022 20:15

“19 năm gắn bó với nghề giáo, điều khiến tôi hạnh phúc nhất là tình cảm trân quý, sự trưởng thành của bao thế hệ học trò” - cô Lê Thị Thoa, giáo viên Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc), bộc bạch.

Phải kéo học sinh đi đúng đường bằng mọi cách

Đồng hành cùng ngành Giáo dục, cô Thoa luôn tâm niệm giáo viên không chỉ là người thầy mà còn là những người bạn của học trò. Bên cạnh việc dạy văn hoá, thầy cô cần phải thấu hiểu và bao dung để học sinh có thể chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình.

Học sinh đang trong độ tuổi trưởng thành nên cái tôi rất cao. Trong lớp có những em không nghe lời, không hoà đồng với các bạn, thậm chí là bỏ học, cô Thoa nhẹ nhàng khuyên bảo, nói chuyện với học trò của mình. Đã không ít lần, cô bất lực bởi học sinh vẫn cố chấp và không nhận ra cái sai của mình.

"Tôi luôn tự nhủ phải kéo học sinh đi đúng đường bằng mọi cách. Có những lúc thất bại vì học sinh không nghe không hiểu nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc. Đặc biệt, những học sinh chưa ngoan, cứng đầu tôi sẽ giận. Giận để thấy rằng, tôi rất yêu và trân trọng học sinh, giận như những người bạn để hiểu nhau hơn, để học sinh có cơ hội nhìn nhận lại mình đã sai và cần thay đổi” - cô Thoa tâm sự.

Theo giáo viên này, mỗi học sinh đều có câu chuyện riêng của mình. Trên chặng đường đồng hành cùng học trò, cô luôn dành tình cảm chân thành, không đem sự cấm đoán và cứng nhắc để thay đổi các em. 

 Giáo viên không chỉ là người thầy mà còn là những người bạn của học trò. Ảnh: NVCC

Nghề vinh quang và mang nhiều trọng trách

Cô Thoa cho rằng, nghề giáo là nghề cao quý và mang nhiều trọng trách. Kỳ vọng của xã hội với nghề giáo rất lớn, điều đó vô tình tạo nên những áp lực.

Cô nhớ mãi câu chuyện của một học sinh thi đỗ sư phạm nhưng gia đình nhất quyết không cho đi học bởi mặc định nghề giáo là nghề áp lực, khó xin việc, lương thấp.

Sau mỗi giờ dạy, cô phải xuống tận nhà để nói chuyện, động viên, thuyết phục phụ huynh cho con đi học. Qua nhiều buổi, phụ huynh miễn cưỡng đồng ý. Cô học trò nhỏ ngày nào đã thực hiện ước mơ và trở thành đồng nghiệp của cô Thoa.

Cô Lê Thị Thoa - giáo viên Trường THPT Tam Đảo 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, trăn trở lớn nhất của cô Thoa là làm thế nào để giúp học trò của mình có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn, giúp các em tự tin, vững bước vào đời. Niềm hạnh phúc lớn nhất của giáo viên là thấy học sinh của mình trưởng thành và thành công.

Cô luôn cố gắng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. Có những em nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn, cô dạy thêm cho các em miễn phí. Những lúc chờ điểm thi đại học, cô cũng nóng lòng hồi hộp cùng các em.

"Khi thấy dòng tin nhắn “Cô ơi em đỗ rồi” thực sự xúc động đến rơi nước mắt. Đó là động lực để giữ lửa nghề, bù lại cho những lúc áp lực công việc, bù lại cho những lúc học sinh không hiểu, cho những lời dè bỉu, chê bai…” - cô Thoa nghẹn ngào.

Mỗi mùa hiến chương các nhà giáo, nhận về lời nhắn tin hỏi thăm của học trò, cô xúc động khôn tả bởi học sinh trân quý và nhớ tới mình. Có những em đã ra trường nhiều năm, tuy không thường xuyên liên lạc nhưng cô vẫn luôn theo dõi các em trên mạng xã hội. Nhìn thấy học sinh thành đạt trong cuộc sống, cô cũng hạnh phúc.

"Có lẽ đó là niềm hạnh phúc mà không ngành nghề nào có được, cảm giác như nhìn chính những đứa con trong gia đình từng ngày lớn lên và tự hào khi chúng trưởng thành. Tôi luôn ý thức việc sống tử tế, công tâm và chân thành bởi tình cảm xuất phát từ trái tim sẽ chạm tới trái tim” - cô Thoa xúc động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn