MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hạnh phúc của nhà giáo là được đồng hành, dõi theo sự trưởng thành của bao thế hệ học trò. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyện nhà giáo: Hạnh phúc trong tôi là...

Mai Thị Ánh Nguyệt, Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Ba Đình, Hà Nội LDO | 20/11/2023 15:00

Hạnh phúc của một nhà giáo là được đứng trên bục giảng, được cầm phấn, được ngắm nhìn gương mặt ngây thơ của học trò...

Mặc dù đã nhiều năm qua đi, và dù đã đứng trên bục giảng 20 năm, nhưng tôi vẫn không thể quên một buổi chiều, cô bé con 16 tuổi nghe được câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến: “Vết chân tròn, vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi. Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”.

Giọng hát trầm ấm mà da diết quá. Tôi băn khoăn tự hỏi tại sao người thương binh ấy không nghỉ ngơi mà vẫn đến trường làng để dạy các em nhỏ? Phải chăng anh tìm thấy niềm vui, hạnh phúc ở trường làng và trong ánh mắt trẻ thơ?

Với cô Ánh Nguyệt (áo đỏ), niềm vui mỗi ngày là được lên lớp, được gặp gỡ các em học sinh thân yêu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Băn khoăn ngày ấy, giờ đây tôi đã có được câu trả lời. Giữa trăm ngàn nỗi khó khăn, vất vả của nghề giáo, chúng tôi vẫn tìm được niềm vui, hạnh phúc để tiếp tục gắn bó và không ngừng cống hiến. Và mỗi năm, khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam, những người giáo viên chúng tôi lại lâng lâng niềm hạnh phúc khi mình đang đảm nhiệm thiên chức của một người thầy.

Niềm vui lớn nhất của người giáo viên chắc chắn đến từ học sinh. Trước khi đến trường, các em là trang giấy trắng, nhưng nhờ công lao dạy dỗ của thầy cô các em dần khôn lớn, trưởng thành và bay đi muôn phương góp phần xây dựng Tổ quốc.

Cô Ánh Nguyệt chụp ảnh lưu niệm cùng học trò. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thật vui khi sau mỗi bài giảng, những cô bé cậu bé thơ ngây đã trở thành người hiểu biết. Và đặc biệt, thật hạnh phúc, tự hào khi thầy cô nhận được kết quả học tập của học sinh. Có những kì thi, thầy trò chung một nhịp đập trái tim, hồi hộp lo lắng rồi vỡ òa trong hạnh phúc.

Thành tích học tập của học sinh là động lực để người thầy quên đi nỗi vất vả, tiếp tục miệt mài, đổi mới sáng tạo trong các bài giảng. Hiểu được điều này, sau mỗi giờ lên lớp, chúng tôi lại lặng lẽ bên những trang vở, bên những tập bài kiểm tra của học sinh. Chúng tôi sửa từng câu, từng chữ, uốn nắm cách viết, cách làm; có đôi khi buồn giận vì học trò mải chơi lười học nhưng vô cùng hạnh phúc, tự hào khi thấy học sinh tiến bộ, bài làm tốt, sáng tạo, đạt điểm cao… Tôi bỗng thấy mình giàu có, gia tài mỗi ngày một lớn!

Cô Ánh Nguyệt được học trò đặt cho biệt danh hóm hỉnh: Cô giáo “xì tin”. Ảnh: NVCC

Suốt 20 năm giảng dạy, học sinh của tôi vẫn là những cô cậu tuổi mới lớn, đầy hồn nhiên mơ mộng, đầy khát khao hoài bão, có lẽ vì thế mà tôi thấy mình mãi trẻ trung như người không có tuổi. Hàng ngày tôi cùng học, cùng trò chuyện, và dường như tôi cũng cùng lớn với những học sinh của mình. Những trò tinh nghịch của tuổi “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” đã có lúc làm tôi phải nghĩ suy nhưng có lúc nó cũng khiến trái tim tôi rộn ràng “học sinh thời nào chẳng vậy” và khi xa chúng tôi luôn cảm thấy buồn, nhớ mong.

Mỗi năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi vô cùng xúc động khi nhận được tin nhắn chúc mừng, những lời chia sẻ về cuộc sống hiện tại, những lời cảm ơn của rất nhiều lứa học sinh đã ra trường, của học sinh, phụ huynh hiện tại. Hay đôi khi chỉ đơn giản là tiếng “Con chào cô” từ những học sinh lâu rồi tôi không thế nhớ tên khi ngang qua phố cũng làm cho hạnh phúc của nghề giáo chúng tôi thêm đong đầy.

Niềm vui và hạnh phúc của người giáo viên không phải là điều gì lớn lao, to tát mà chỉ là những điều giản đơn trong cuộc sống hàng ngày với học sinh. Những hạnh phúc đó không thể gọi tên, cứ âm thầm như một ngọn lửa bền bỉ cháy trong lòng mỗi chúng tôi, để chúng tôi không rẽ ngang con đường mình đã chọn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn