MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với nhiệt huyết và tình yêu thương, cô giáo Bùi Thị Quế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã mang khát vọng đến với học sinh miền biên viễn. Ảnh: NVCC

Chuyện về cô giáo nặng lòng với học sinh miền biên viễn

khánh Linh  LDO | 25/06/2022 07:14

Sinh ra và lớn lên ở huyện nghèo Mường Tè, tỉnh Lai Châu nên cô giáo Bùi Thị Quế thấm hiểu những khó khăn, vất vả của bà con vùng cao. Với tình yêu và lòng nhiệt huyết, hơn 20 năm nay, cô giáo Quế đã gieo chữ, gieo yêu thương cho trẻ em nghèo miền biên viễn.

Nhìn những thế hệ học trò lớn lên trong sự thiếu thốn, khát khao con chữ, ngay từ nhỏ cô Quế đã “nuôi” ước trở thành giáo viên và không ngừng học tập, rèn luyện để hiện thực hóa mơ ước của mình.

Năm 1997, cô giáo trẻ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên với tấm bằng loại giỏi và bắt đầu sự nghiệp giảng dạy là Tiểu học xã Bum Nưa. Sau thời gian dài công tác tại đây, năm 2010, cô được điều động về Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè. Sau 2 năm đảm nhiệm vai trò Phó Hiệu trưởng, đến năm 2013, cô Quế được bổ nhiệm làm hiệu trưởng.

Cô chia sẻ: “Ngày ấy người đi học sư phạm vốn đã không nhiều, tốt nghiệp bằng giỏi lại càng ít, vì thế càng có nhiều sự lựa chọn nơi công tác cho mình, nhưng thật tâm chỉ muốn quay về với Mường Tè, về với bản làng, quê hương”. 

Dẫn dắt, đồng hành cùng tập thể sư phạm nhà trường từ những ngày đầu gian khó, đến nay Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè đã có 54 cán bộ, giáo viên. Đây là nơi theo học của trên 600 con em đồng bào. Trong đó, người Hà Nhì, Thái chiếm đa số.

Ông Hà Đình Nhuận, Phó trưởng phòng GDĐT huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: “Cô Quế có năng lực cả về quản lý lẫn chuyên môn. Nhờ những nỗ lực cố gắng của toàn thể giáo viên và học sinh, dưới sự lãnh đạo của cô mà những năm qua, Trường Tiểu học thị trấn luôn đạt thành tích cao trong dạy và học.

Theo ông Nhuận, điển hình là năm học 2021 - 2022, ngôi trường này có 2 học sinh đạt giải Nhất cuộc thi Ielts cấp tỉnh, 3 em đạt giải Nhì, 2 em giải khuyến khích. Trong đó, có 2 em lọt vào top 20 cấp tỉnh trong đợt thi quốc gia. Với cuộc thi Trạng nguyên tiếng Việt qua hệ thống mạng internet, nhà trường có 2 học sinh đạt giải Nhất cấp tỉnh.

Theo cô Quế, đối với một cô giáo trẻ mới ra trường thì khó khăn lớn nhất là phải hiểu được tâm lý của từng học sinh, từ đó tìm ra những phương pháp dạy học tốt nhất.

Vị nữ hiệu trưởng nhớ lại: “Còn nhớ có lần, một giáo viên chủ nhiệm lớp 4 của trường phản ánh lên ban giám hiệu là trường hợp em học sinh rất quậy phá, không chịu học tập và không nghe lời giáo viên”.

Chính cô đã trực tiếp tìm gặp học trò này để trò chuyện, tâm sự. Ban đầu học sinh tỏ thái độ chống đối, không chịu chia sẻ. Thế nhưng, qua những cử chỉ, hành động và lần tiếp cận khiến cô - trò hiểu nhau hơn. 

“Sau một thời gian thì cô giáo chủ nhiệm trao đổi lại là học sinh này đã có nhiều thay đổi. Vào ngày 20.11, chính em đã đến tận phòng tặng tôi một bông hoa, khiến giáo viên trong trường phải ngạc nhiên. Tôi lấy đây làm kinh nghiệm để chia sẻ cho các giáo viên khác trong trường” - cô Quế chia sẻ. Cùng với cô Bùi Thị Quế, nhiều giáo viên vùng cao như những bông hoa rừng đượm sắc, thơm hương, mang tình yêu thương đến những bản nghèo, góp phần làm đổi thay những vùng núi cao còn gian khó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn