MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những người phụ nữ dân tộc Mông vốn chỉ quen cuốc đất trồng ngô nay lại nắn nót từng con chữ. Ảnh: Minh Chuyên.

Chuyện xoá mù chữ giữa muôn trùng núi đá

Nguyễn Tùng LDO | 28/10/2023 12:41

Sau một ngày trên nương ngô những người đàn ông, phụ nữ dân tộc tại huyện vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang) lại tiếp tục tới các lớp học xoá mù chữ với mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn giữa nơi núi đá quanh năm khắc nghiệt.

Đã hơn 1 tháng nay, khi bữa cơm tối xong xuôi cũng là lúc vợ chồng chị Thò Thị Chở ở thôn thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) cùng nhau đến điểm trường tiểu học trong thôn để tham gia lớp xóa mù chữ do Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Chinh tổ chức.

Những buổi học đầu tiên đối với chị Chở thật khó khăn, bàn tay thô ráp vốn quen với cầm cái cuốc, đào đất trồng ngô trên núi đá thì nay lại nắn nót từng con chữ. Nhưng điều đó không làm chị Chở bỏ cuộc bởi khát khao biết đọc, biết viết đã cho chị thêm quyết tâm.

"Viết chữ còn thấy khó hơn cuốc đất trồng ngô nhiều nhưng mình vẫn học, biết chữ rồi thì biết tính tiền lúc đi chợ bán mật ong, bán con gà con chó cũng không bị người ta lừa. Cô giáo còn bảo biết đọc, biết viết còn có thể bán hàng được cả trên mạng nữa, mình thích lắm. Vợ chồng phải cố học để còn dạy con nữa chứ" - chị Chở hồ hởi tâm sự.

Ở lớp học xoá mù chữ thôn Mèo Vống còn có 19 học viên như chị Chở. Họ đều là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo quanh năm phơi lưng trên nương đá. Mỗi người một độ tuổi khác nhau nhưng đều chung một suy nghĩ phải quyết tâm học chữ với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những lớp học xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc liên tục được mở khắp các xã vùng cao của tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Chuyên.

Cô giáo Lương Thị Xoan - chủ nhiệm lớp xoá mù chữ thôn Mèo Vống cho biết, để mở được một lớp học cũng không dễ dàng bởi đa phần các học viên là những lao động chính trong gia đình, ngày vất vả mưu sinh, tối về chăm sóc gia đình nên ai cũng ngại đi học. Những ngày đầu giáo viên phải thay nhau đến từng nhà vận động đồng bào đi học.

“Bà con học được vài buổi rồi thì lại rất thích thú bởi có thể đọc và viết được những nét chữ đầu tiên. Phương pháp giảng dạy với lớp xóa mù chữ giống dạy lớp 1, tuy nhiên cái khó là các học viên đều đã lớn tuổi cho nên việc tiếp thu không nhanh bằng lớp trẻ. Do đó mình cần có phương pháp truyền đạt phù hợp" - cô Xoan chia sẻ.

Chị Thò Thị Máy, thôn Thào Chứ Lủng (xã Tả Lủng) hồ hởi: "Mình đã học xong lớp xoá mù chữ được mấy tháng rồi, vui nhất là mình đã tự biết làm các thủ tục hành chính, biết ký tên vào các loại giấy tờ mà không phải nhờ người khác làm hộ. Cám ơn các thầy, cô giáo nhiều lắm".

Hiện tại, 18 xã, thị trấn của huyện Mèo Vạc đều có các lớp học xoá mù chữ được mở với trên 500 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Sau mỗi khoá học kéo dài 1 năm, các học viên không chỉ biết đọc biết viết mà còn có kiến thức về một số môn học như lịch sử, địa lý...

Trên toàn tỉnh Hà Giang, tính riêng từ năm 2021 đến nay đã huy động được 8.291 người tham gia học xoá mù chữ với 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ.

Theo ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay, tỉnh đang thiếu gần 3.000 giáo viên nhưng ngành giáo dục vẫn chỉ đạo các trường lựa chọn giáo viên có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết tham gia xóa mù chữ cho đồng bào.

"Các trường vùng cao phân công giáo viên dạy xóa mù chữ biết tiếng dân tộc, linh động về thời gian cùng nhiều hình thức giảng dạy để học viên dễ tiếp thu. Đồng thời sử dụng những đồ dùng học tập bằng những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương để dạy môn toán ở giai đoạn 1 và sử dụng song ngữ (cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) để giảng dạy" - ông Bình cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn