MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS-TS Hoàng Thị Tuyết (Đại học Mở TPHCM) chia sẻ bức xúc về quy định trả lương cho giáo viên tiểu học tại hội thảo Giáo dục 2017 tổ chức ngày 22.9, tại Hà Nội.

Có bằng đại học chỉ hưởng lương trung cấp, nhiều giáo viên nuốt nước mắt vì thiệt thòi

Đặng Chung LDO | 23/09/2017 13:19
Dù tốt nghiệp ĐH nhưng dạy mầm non hoặc tiểu học cũng chỉ nhận mức lương khởi điểm của giáo sinh tốt nghiệp trường trung cấp. Điều này là thiệt thòi cho giáo viên.

Bật khóc khi biết lương giáo viên!

Từng nhiều năm giảng dạy ngành Giáo dục tiểu học trong trường Sư phạm, PGS-TS Hoàng Thị Tuyết (Đại học Mở TPHCM) chia sẻ đã nhiều lần bật khóc khi nghe những tâm sự của các cựu sinh viên, về vấn đề lương thấp, không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu.

“Hiện nay lương giáo viên trả theo thâm niên. Giáo viên dạy tiểu học, dù tốt nghiệp cử nhân, hay thạc sĩ thì cũng bắt đầu hưởng lương trung cấp (1,86). Rất nhiều giáo viên tiểu học đã phải nuốt nước mắt làm nghề, hoặc không dám đi học cao hơn. Chúng tôi không hiểu sao lại có quy định như vậy” – cô Tuyết bức xúc.

Theo khảo sát của một nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước, thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương của giáo viên thâm niên 13 năm là 3-3,5 triệu đồng một tháng. Hiện chỉ khoảng 50% giáo viên các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên.

Điều đó có nghĩa, rất nhiều giáo viên có thu nhập từ lương dưới 3 triệu đồng. Đây là lý do khiến không ít giáo viên bỏ nghề, thậm chí không muốn vào sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề.

“Chuẩn hóa” nhà giáo, cần chuẩn về lương

Lý giải về việc giáo viên có bằng đại học mà chỉ được hưởng lương trung cấp, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết:  "Hiện  nay không trả lương theo bằng cấp. Vì nếu trả theo bằng, có những người cứ đi học bằng cao, sau đó về thì lương cao hơn, còn ở nhà phải làm rất nhiều mà lương thì thấp.

Từ khi có Luật viên chức, việc tính toán trả lương theo tiêu chuẩn chức danh, theo thứ hạng  trong nghề nghiệp, trong đó trình độ đào không còn là yếu tố quyết định, mà là trả bằng công cống hiến và sức lao động bỏ ra.

Luật Viên chức đã quy định rất rõ điều này và tính toán lương theo tiêu chuẩn chức danh, có logic của nó. Còn nếu giáo viên học trình độ cao thì đó là một tiêu chuẩn, cộng thêm nhiều tiêu chuẩn khác, để giáo viên có thể thăng hạng nhanh hơn".

Hiện nay, những quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên nằm trong thông tư liên tịch 20,21,22/2015 của Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ.

Theo đó sẽ không trả lương theo trình độ đào tạo mà trả lương theo yêu cầu vị trí việc làm. Giáo viên mầm non và tiểu học chỉ yêu cầu trình độ trung cấp. Tuy nhiên, quy định trình độ chuẩn này đã không còn phù hợp. Vì thực tế trường trung cấp sư phạm đã giải thể từ nhiều năm.

Hầu hết giáo viên mầm non và tiểu học được đào tạo trình độ cao đẳng và đại học, tiến tới chuẩn hóa giáo viên theo Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục.

Không ít lần đội ngũ nhà giáo đã có ý kiến với Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ về sự bất cập trong việc trả lương cho giáo viên tiểu học từ khi các thông tư liên tịch trên ra đời, nhưng liên bộ vẫn "im lặng". Không còn cách nào khác, nhà giáo đành chấp nhận chịu thiệt thòi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn