MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Nguyễn Thị Ngà cùng học trò trong tiết học tiếng Việt. Ảnh: NVCC

Cô giáo 32 năm dành trọn tình thương cho học trò vùng dân tộc thiểu số

Tuyết Anh LDO | 08/03/2024 07:44

Vì một tiếng “thương”, cô giáo Nguyễn Thị Ngà - Trường Tiểu học An Quang (Bình Định) - đã quyết định từ bỏ giấc mơ phố thị, vượt hàng nghìn cây số “gieo chữ” cho học trò nơi vùng núi cao.

Từ bỏ giấc mơ phố thị...

Cô Nguyễn Thị Ngà sinh ra và lớn lên tại Hưng Yên. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, cô Ngà được phân công về công tác tại một điểm trường vùng cao thuộc huyện An Lão (Bình Định), với mức lương ít ỏi chỉ 256 nghìn đồng/tháng.

Xác định nhận nhiệm vụ tại vùng khó khăn, con đường phía trước sẽ gian truân và đầy thử thách, cô Ngà đã tự nhủ phải nỗ lực hết mình vì những mầm non tương lai của đất nước.

"Ngày mới đến, nhìn khắp bốn bề đều là rừng núi, lau sậy mọc sát hai bên đường, khung cảnh hoang sơ, học sinh và cô lại có sự bất đồng về ngôn ngữ khiến tôi cảm thấy lạc lõng vô cùng, chỉ muốn quay lưng.

Nhưng chợt nhìn thấy ánh mắt học sinh, lòng tôi lại chùng xuống. Tôi gạt đi suy nghĩ đó và muốn gắn bó với các em thêm nhiều năm nữa” - cô giáo Ngà kể lại.

Con đường đến trường của cô Ngà suốt nhiều năm. Ảnh: NVCC

Ai từng sống trên vùng núi cao thì mới có thể nếm trải hết sự khắc nghiệt và khó khăn nơi đây. Cuộc sống của giáo viên vùng cao muôn vàn thiếu thốn nhưng các thầy, cô vẫn bám trường, bám bản "cõng" chữ lên non, gieo mầm tri thức.

“Đến năm 2002, tôi được phân công về công tác tại Trường Tiểu học An Quang, một ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Thời điểm đó, đường sá giao thông đi lại rất khó khăn.

Vào mùa mưa, nước sông dâng cao cộng với đường đi toàn bùn đất, chúng tôi buộc phải đi bộ gần hai chục cây số mới lên được điểm trường lẻ. Nơi đây nói không với nước sạch, sóng điện thoại và điện thắp sáng lại càng không. Tối đến, mỗi thầy cô chỉ có một chiếc đèn nhỏ thắp bằng dầu ma-dút để soạn bài. Sáng ra nhìn mặt ai cũng đen nhẻm vì muội dầu” - cô Ngà nhớ lại quãng thời gian trước đây.

Thời điểm hiện tại, cô Ngà đã được về công tác tại điểm trường chính đỡ khó khăn và vất vả hơn. Nhưng tình yêu với học trò nơi rẻo cao vẫn còn lớn, nên cứ hai năm một lần, cô Ngà lại tiếp tục hành trình ươm mầm tri thức ở những điểm trường vùng núi.

Mang tiếng Việt đến với học trò vùng dân tộc thiểu số

Trường Tiểu học An Quang cũng như bao ngôi trường vùng dân tộc thiểu số khác, đa phần các em học sinh còn nhiều hạn chế về ngôn ngữ tiếng Việt. Do đó, để "gieo con chữ" nơi đây đòi hỏi nhà giáo phải cố gắng, nỗ lực để tìm tòi ra phương pháp, áp dụng phù hợp với mỗi học sinh.

Thời gian qua, cô Ngà đã có nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó phải kể đến sáng kiến “Một số giải pháp giúp học sinh vùng dân tộc thiểu số sử dụng Tiếng Việt có hiệu quả”.

“Tiếng Việt được xem là ngôn ngữ thứ nhất đối với học sinh vùng xuôi, nhưng lại là ngôn ngữ thứ hai đối với học sinh vùng cao. Hầu hết, các em mới đầu khi nhìn thấy thầy cô, người lớn đều cúi mặt xuống hoặc nhìn đi chỗ khác, vì ngại giao tiếp.

Chính hình ảnh này đã thôi thúc tôi phải tìm hiểu và nghiên cứu tìm ra giải pháp giúp các em sử dụng Tiếng Việt tốt hơn, xóa đi rào cản về ngôn ngữ” - cô Ngà cho hay.

Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy học sinh vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: NVCC

Để phát huy hết tính hiệu quả của sáng kiến, cô Ngà còn tranh thủ thời gian rảnh tự học thêm tiếng mẹ đẻ của bà con nơi đây, để hỗ trợ vào bài giảng khi cần thiết.

“Ngoài học tiếng dân tộc, tôi còn áp dụng công nghệ thông tin để thiết kế bài giảng. Với mong muốn mang hình ảnh sinh động, phong phú về tiếng Việt đến gần học sinh hơn, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng và hiệu quả nhất” - cô Ngà chia sẻ.

Trong thời gian tới, cô Ngà dự định tiếp tục mang tiếng Việt đến với học trò dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức mới mẻ khác. Góp phần giúp học sinh học tốt các môn học cơ sở, xây dựng tiền đề cho các cấp học tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn