MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cô giáo 9X chấp nhận xa con nhỏ lên miền sơn cước dạy chữ

Phùng Nhung LDO | 06/11/2022 13:56

Lòng nhiệt thành và tình yêu con trẻ là động lực để cô giáo Lò Thị Thầm gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên gần 6 năm qua. Mặc cho những khó khăn vất vả, cô vẫn cần mẫn mang con chữ tới con em đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Chấp nhận xa gia đình nhỏ

Tủa Chùa là một huyện vùng cao thuộc diện khó khăn của tỉnh Điện Biên.

100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, trình độ nhận thức còn hạn chế trong khi nhiều phụ huynh lại không mặn mà với những con chữ.

Không đầu hàng trước những gian khó, nhiều thế hệ giáo viên đã sẵn sàng bám lớp, mang ánh sáng văn hóa đến với các thôn bản xa xôi, cô Lò Thị Thầm là một trong những giáo viên đó.

Kể lại quá trình đến với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú  THCS Sín Chải, cô Thầm xúc động: “Đây là một ngôi trường hoàn toàn xa lạ đối với tôi, tôi chưa từng đặt chân đến mảnh đất này nên có rất nhiều bỡ ngỡ”.

Cơ duyên đưa cô Thầm đến đây cũng thật tình cờ, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, nhận tin huyện Tủa Chùa thi tuyển viên chức, cô nộp hồ sơ dự tuyển và được Phòng GDĐT tuyển dụng, phân công giảng dạy bộ môn Địa lý tại Trường PTDTBT THCS Sín Chải.

"Trường cách nhà tôi gần 100 km, tôi phải thuê trọ, chấp nhận xa chồng, xa con nhỏ 12 tháng tuổi để đến đây công tác. Chồng tôi làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh, cả gia đình trông chờ vào đồng lương giáo viên nên cuộc sống cũng chẳng dư dả gì” - cô Thầm tâm sự.

Cô Lò Thị Thầm - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sín Chải. Ảnh: NVCC

Hăng say với nghề giáo là động lực vượt qua tất cả

Miền sơn cước có mùa đông lạnh “cắt da cắt thịt”, thương học trò hai má ửng đỏ vì lạnh, cô Thầm tự dành dụm tiền để mua áo khoác cho các em. Trong quá trình giảng dạy, cô cũng trích tiền lương mua đồ dùng học tập tặng học sinh có thành tích tốt.

Cô Thầm cho biết, cơ sở vật chất nơi đây còn thiếu thốn, đường đến trường của học sinh gặp khó khăn. Nhiều em nhà cách trường quá xa phải đi bộ hơn chục cây số mới tới được trường. Một số thôn bản vẫn chưa có điện, có nơi điện thoại không có sóng không thể liên lạc với phụ huynh.

Đặc biệt, nhiều người chưa quan tâm đến việc học của con em mình, phó mặc hoàn toàn cho giáo viên, nhà trường.

"Những năm công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú  THCS Sín Chải, bản thân tôi không thể nhớ hết những ngày vất vả cùng với Ban giám hiệu nhà trường xuống các thôn bản để tuyên truyền, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng.

Có những lần đi bản, xe bị thủng săm giữa đường phải gửi xe ở nhà dân, đi bộ lên tận nương để tìm gặp động viên các em đến trường…" - cô Thầm kể.

 Cô Thầm cùng học sinh tham gia hoạt động tập thể. Ảnh: NVCC

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng với cô Thầm, học sinh còn thiếu thốn, khốn khó nhiều gấp bội.

"Học sinh vùng cao, nhất là những xã đặc biệt khó khăn còn thiệt thòi nhiều lắm. Mọi trang thiết bị, điều kiện phục vụ việc học đều rất thiếu thốn. Cái ăn, cái mặc nhiều khi còn không đủ… Tôi thương các em, thương cho tương lai của những mầm non miền sơn cước.

Nhưng lòng quyết tâm, tình yêu con trẻ và niềm hăng say với nghề giáo là động lực giúp tôi vượt qua tất cả. Tôi thật may mắn khi nhận được sự quan tâm của Ban giám hiệu và những người đồng nghiệp cùng xóm trọ. Ở nơi cọc cằn sỏi đá này, tình người vẫn ấm nồng" - cô Thầm bộc bạch.

"Chỉ cần dành tâm huyết sẽ nhận về quả ngọt"

Trong quá trình giảng dạy, cô giáo 9X luôn ý thức bản thân phải trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn để làm mới bài giảng của mình. Cô chịu khó nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu, giúp các em học sinh dân tộc Mông nắm chắc kiến thức bài vở.

Trong những năm qua, cô có nhiều sáng kiến trong đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh yêu thích môn Địa lí, cảm thấy môn học nhẹ nhàng, không nhàm chán.

Năm học 2020 - 2021, cô Thầm có một học sinh đạt giải ba cấp tỉnh và năm học 2021 - 2022 có một học sinh đạt giải Nhì cấp tỉnh môn Địa lí. Đây là những kết quả đáng khích lệ với cô giáo trẻ.

Cô giáo Thầm cùng học sinh người Mông. Ảnh: NVCC

Gần 6 năm công tác, cô Lò Thị Thầm nhận được 2 giấy khen của Đoàn xã Sín Chải; 1 giấy khen của Chủ tịch UBND xã Sín Chải; 4 giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa; 2 năm được Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Năm 2022, cô Lò Thị Thầm là 1 trong số 68 giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tổ chức dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 sắp tới.

"Đây là một niềm vinh dự với tôi. Đó là minh chứng cho sự nỗ lực, say mê tâm huyết với nghề. Làm nghề gì cũng vậy, chỉ cần dành tâm huyết sẽ nhận về quả ngọt” - cô Thầm xúc động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn