MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cô giáo mầm non bỏ bục giảng, học làm kỹ thuật viên lái tàu ngầm Metro

Anh Nhàn - Ngọc Lê LDO | 24/07/2020 15:00

Đang làm nghề "gõ đầu trẻ", chị Phạm Thị Thu Thảo (33 tuổi, TPHCM) nộp đơn xin tham gia lớp học lái tàu ngầm Metro theo tiếng gọi đam mê. Là bóng hồng duy nhất trong lớp, học viên này ấp ủ ước mơ cầm lái tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TPHCM.

Cô giáo chia tay phấn trắng bảng đen để trở thành lái tàu

Chị Phạm Thị Thu Thảo có làn da trắng, mái tóc đen dài, dáng vẻ nhanh nhẹn, gây ấn tượng đặc biệt với nụ cười hiền hậu.

Người phụ nữ 33 tuổi này vừa được lựa chọn là một trong số 58 học viên được đào tạo để trở thành lái tàu cho tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Để được tuyển chọn, chị Thảo phải trải qua quá trình thi tuyển, đáp ứng về trình độ chuyên môn, sức khỏe với nhiều tiêu chí khắt khe. 

  Chị Phạm Thị Thu Thảo (33 tuổi) nộp đơn xin tham gia lớp học lái tàu Metro theo "tiếng gọi" của con tim. Ảnh: Anh Nhàn

Đang là cô giáo dạy mầm non, trong một lần tình cờ đọc tin tuyển dụng kỹ thuật viên lái tàu metro, chị Thảo bàn với chồng về ý định chuyển nghề. Được sự ủng hộ từ chồng, chị phấn khởi nộp đơn đăng ký. Khi biết danh sách trúng tuyển có tên mình, chị hét toáng lên vì sung sướng.

Từ đó, chị chia tay nghề nghiệp gắn bó 11 năm, chia tay học trò và phấn trắng bảng đen, bắt đầu những ngày tháng rèn luyện tại trường Cao đẳng Đường sắt (cơ sở phía Nam).  

Ngày khai giảng lớp học, chị Thảo được đại diện các học viên lên phát biểu trước thầy cô giáo, lãnh đạo nhà trường và sau đó được cử làm lớp trưởng của lớp học mà mình là nữ học viên duy nhất. 

"Lúc nộp đơn chỉ thi tuyển lái tàu, tôi không dám chia sẻ đến phụ huynh và học sinh. Chỉ khi hình ảnh của tôi xuất hiện trên báo sau lễ khai giảng, mọi người mới biết. Thật tiếc khi không tiếp tục theo đuổi nghề dạy học, nhưng cũng thật vui vì đã lựa chọn đúng đam mê của mình dù tuổi đời không còn trẻ" - chị Thu Thảo bộc bạch. 

Bóng hồng của lớp học lái tàu

  Chị Thảo trong lớp học. Ảnh: Ngọc Lê 

Khóa học lái tàu dự kiến kéo dài 15 tháng. Giai đoạn đầu, sẽ học lý thuyết, thực hành tổng quát. Tiếp đến, sẽ được các chuyên gia Nhật Bản đào tạo thực hành lái tàu. Dự kiến vào tháng 12.2021, sau khi hoàn thành sát hạch cấp quốc gia, học viên được cấp giấy phép lái Metro.

Mục tiêu chị Thảo đặt ra là lọt vào "top" 10 về thành tích học tập của lớp, để tiếp tục được sang Nhật học tập chuyên sâu. 

Theo ngành sư phạm đã lâu, tiếp xúc chủ yếu với trẻ con, những kiến thức máy móc, kỹ thuật với học viên này dường như là con số 0. Tuy vậy, những trở ngại không phải là rào cản với người phụ nữ giàu đam mê và khát vọng. 

  Lớp học lái tàu cho tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa mới khai giảng tại TPHCM. Ảnh: Ngọc Lê 

Dù mới trải qua một tuần học lý thuyết đầu tiên, chị Thảo như nuốt từng lời thầy giảng ở môn Tổng quan đường sắt. 

Ngoài việc đều đặn tham gia khoá học trên lớp, mỗi buổi tối chị dành thời gian lên mạng mày mò tìm hiểu thêm kiến thức về kỹ thuật, tra cứu những thuật ngữ lạ lẫm.

"Ở Nhật có kỹ thuật viên nữ lái tàu thì tôi tin ở Việt Nam cũng sẽ có người như thế. Dù chỉ vừa mới học lý thuyết nhưng tôi vẫn hay mơ tới một ngày mình được cầm lái con tàu mang làn gió mới, bộ mặt mới cho thành phố. Có được may mắn như tôi không phải ai cũng có được, tôi rất tự hào và hạnh phúc về điều này" - chị Thảo cười nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn