MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cô giáo mầm non hơn 13 năm gieo chữ trên bản Nà Bai

TRÀ MY LDO | 20/10/2022 15:18

Trên đỉnh núi Tây Bắc cao lạnh giá, nơi những thôn bản nghèo khó xuất hiện một điểm trường Nà Bai thuộc xã Chiềng Yên huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La. Hơn 13 năm cắm bản, cô giáo Trịnh Thị Thư Sinh luôn nỗ lực, cần mẫn để gieo chữ cho các em dù đôi lúc lòng còn nhiều trăn trở.

Quyết tâm bám trụ với nghề

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Thư Sinh được phân công về công tác tại xã Chiềng Yên. Xác định nhận nhiệm vụ tại vùng khó khăn, con đường phía trước sẽ gian truân và đầy thử thách, cô Sinh đã tự nhủ phải nỗ lực hết mình vì những mầm non tương lai của đất nước.

"Xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ nên mình rất khao khát trở thành một cô giáo. Điều quan trọng để có thể duy trì bền bỉ với nghề đó là sự tâm huyết. Khi mình làm điều gì đó mà muốn bỏ cuộc thì chắc chắn chưa hết mình với điều đó" - cô Sinh bộc bạch.

Hơn 13 năm cắm bản, cô giáo Trịnh Thị Thư Sinh luôn nỗ lực, cần mẫn để trụ với nghề. Ảnh: NVCC

Để có thể bám trụ với nghề, cô Sinh đã trải qua rất nhiều thử thách. Nhất là việc sắp xếp sao cho cân bằng việc dạy học trên lớp và việc gia đình.

"Có những hôm đến lớp dạy, mình phải địu con ở trên lưng vì không có ai trông nom. May mắn thay mình được sự giúp đỡ của đồng nghiệp nên cũng vơi bớt phần nào khó khăn" - cô Thư Sinh trải lòng.

Ai từng sống trên vùng cao Tây Bắc thì mới có thể nếm trải hết cái khắc nghiệt của mùa đông trên đỉnh núi cao. Cuộc sống của giáo viên vùng cao muôn vàn thiếu thốn nhưng các thầy, cô vẫn bám trường, bám bản.

"Ngày trước đi làm ở một điểm trường trong bản, tôi và đồng nghiệp phải thức dậy từ rất sớm. Việc di chuyển qua những con đường đèo cheo leo rất khó khăn và nguy hiểm. Nhất là khi trời mưa to, đường đất trơn trượt, cô phải xuống dắt bộ" - cô Thư bồi hồi khi kể lại quãng thời gian khó khăn mà mình đã trải qua. 

Tại điểm trường cô Sinh dạy, đa phần các em vùng cao ngôn ngữ còn nhiều hạn chế khi mà tiếng phổ thông chưa thông thạo. Do đó, để "gieo con chữ" nơi đây đòi hỏi nhà giáo phải cố gắng, nỗ lực để tìm tòi ra phương pháp, áp dụng phù hợp với mỗi trẻ. Và theo cô giáo trẻ nhận xét, rào cản trở lớn nhất trong quá trình dạy đó là các em còn sử dụng ngôn ngữ bản địa.

"Giáo viên chúng tôi phải học thêm luôn cả tiếng của các dân tộc để có thể dạy các cháu” - cô Sinh tâm sự.

Tuy khắc nghiệt nhưng hoa vẫn nở trên đá

Trường mầm non vùng cao thường đối mặt với nhiều khó khăn cả về con người lẫn vật chất. Nhưng điều đó không làm cô Sinh nản lòng hay chùn bước. Bởi cô luôn tâm niệm, sứ mệnh của mình là phải có trách nhiệm với nghề giáo, với các em vì mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non.

"Mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng. Tuy nhiên, ở vùng cao thì sẽ khó khăn hơn bởi còn nhiều hạn chế từ nhân lực, vật lực. Bản thân tôi luôn biến áp lực thành động lực, mặc dù điều này là cả một quá trình" - cô Sinh bộc bạch.

Một trong những áp lực mà cô Sinh đề cập tới đó là câu chuyện tiền lương. Cũng chính vì đồng lương ít ỏi nên nhiều đồng nghiệp của cô cũng lặng lẽ bỏ nghề, chuyển ngành.

"Khi mới ra trường, lương của tôi chỉ hơn 2 triệu đồng. Nhưng tôi không đặt nặng vấn đề đó, chỉ tâm niệm sẽ cố gắng phấn đấu. Nghề "gõ đầu trẻ" này không có cơ hội thu nhập thêm như cấp bậc khác trong khi chi phí sinh hoạt trang trải nhiều nên việc đồng nghiệp quyết định dừng lại cũng là điều dễ hiểu" - cô Sinh bày tỏ sự đồng cảm.

Dù còn nhiều khó khăn, cô Sinh vẫn kiên trì đồng hành với các em học sinh miền núi khó khăn. Ảnh: NVCC

Nhìn vào những tấm bằng khen treo ngay ngắn trên tường gỗ, gương mặt cô Sinh ánh lên tự hào và rạng rỡ bởi những cố gắng của cô đều được đền đáp xứng đáng.

Năm nào cô cũng nhận giấy khen lao động tiên tiến cấp phòng. Giấy khen Đoàn viên có thành tích xuất xắc của Liên đoàn Lao động huyện Vân Hồ. Ngoài ra còn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện,....

Đằng sau những thành tích đạt được ấy, ít ai biết rằng cô Sinh đã trải qua rất nhiều thăng trầm.

"Ngày tháng ấy thật sự gian nan, nuôi con một mình và vẫn phải đảm bảo được công việc. Trước đây tôi thường mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình song được mọi người động viên, an ủi nên cũng cởi mở và chia sẻ nhiều hơn" - cô Sinh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn