MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cô giáo tay bế con nhỏ, đi bộ mấy tiếng để đến điểm trường

Bích Hà LDO | 17/01/2020 07:03
Đến bây giờ cô Giàng Thị Chá (giáo viên Trường mầm non Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) vẫn nhớ những ngày phải đi bộ 8km đường dốc núi để đến trường. Vất vả là vậy, nhưng khi nhìn nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao, cô Chá lại có thêm động lực để bám trụ với nghề cô nuôi dạy trẻ.

Ngày 16.11, cô Giàng Thị Chá cùng hơn 100 giáo viên khác có mặt ở Hà Nội, để dự lễ tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến cấp học mầm non. Với nhiều thầy cô, đây là lần đầu được thăm thủ đô sau những năm tháng kiên trì bám bản.

Chia sẻ về niềm vui khi nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp chăm sóc, dạy dỗ trẻ mầm non, cô Giàng Thị Chá bộc bạch: Chúng tôi hy sinh, hết mình vì công việc và không mong đến ngày được tôn vinh, nhưng những phần thưởng như thế này là sự động viên rất lớn cho đội ngũ giáo viên mầm non trên cả nước.

Theo cô Chá, công việc của giáo viên mầm non có những đặc thù riêng, vừa dạy lại vừa dỗ, vừa chăm sóc trẻ. Dù quy định giờ làm việc của giáo viên mầm non là 6 giờ/ngày, nhưng phần lớn thầy cô đều phải làm số giờ nhiều hơn thế.

“Tôi vào nghề từ năm 2005, mức lương hồi đó khoảng 300.000 đồng. Hồi ấy còn chưa có đường lớn nên tôi phải đi bộ, tay dắt con lớn, tay bế con nhỏ cứ thế đi bộ mấy tiếng mới đến được điểm trường. Có hôm  phải gùi thêm lương thực lên điểm trường để sinh hoạt đủ trong một tuần” - cô Chá nhớ lại.

Cô Giàng Thị Chá (thứ hai từ phải qua) chia sẻ về nghề trong lễ tôn vinh. 

Cũng trong những ngày đầu đó, không ít lần ý định bỏ việc đã nảy ra trong đầu, vì trước đó dù đã tìm hiểu nhưng thầy không tưởng tượng sao lại vất vả, khó khăn đến thế. Nhưng rồi, mỗi ngày gắn bó với những đứa trẻ vùng cao, cảm nhận tình cảm của các em dành cho mình, cô không nỡ và quyết định sẽ bám trụ với nghề.

Cũng giống như cô Chá, cô giáo Đinh Thị Huyền Trang (giáo viên Trường mầm non số 2 Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng trải qua những ngày như thế. Con nhỏ gửi lại cho ông bà, rồi cô gắn bó với các em nhỏ vùng cao. “Càng gắn bó càng thêm yêu trẻ. Dù khó khăn trăm bề, nhưng tôi vẫn chưa một ngày có ý nghĩ sẽ rời xa các con, vì lòng yêu nghề, mến trẻ vẫn luôn luôn cháy bỏng” - cô Trang nói.

Giáo viên mầm non được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen. 

Hiểu nỗi vất vả và những hy sinh của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, giáo dục mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng, áp lực nhất. Học sinh còn bé và rất hiếu động, giáo viên phải làm việc trong thời gian dài nhất của ngày trong khi lương lại thấp nhất so với bảng lương của ngành giáo dục.

”Mặc dù Đảng, Nhà nước và xã hội rất quan tâm, đã có nhiều chính sách, nhưng hiện nay đời sống của giáo viên mầm non nhìn chung còn nhiều khó khăn. Nhận thức của xã hội và chính sách chưa tương xứng với vị trí, vai trò và sự đóng góp của giáo viên mầm non” - Bộ trưởng nhìn nhận.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi lời cảm ơn đến giáo viên mầm non - những người hy sinh thầm lặng cho giáo dục.

Ghi nhận sự nỗ lực của bậc học mầm non và giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong Luật Giáo dục 2019 đã quy định mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của con người.  Trong những năm gần đây, giáo dục mầm non đã có được những thành tựu đáng ghi nhận.

“Tôi mong mỗi nhà giáo sẽ và mãi là tấm gương sáng về tình yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết đổi mới sáng tạo, luôn rèn luyện tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn để đóng góp cho sự phát triển của giáo dục nước nhà, đưa giáo dục mầm non lên tầm cao mới, đạt mức tiên tiến trong khu vực và trên thế giới” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn