MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Vũ Bích Phương cùng các học trò thân yêu do cô chủ nhiệm. Ảnh: VBP

Cô giáo trẻ được tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019”

ĐỨC THÀNH - HUYÊN NGUYỄN (thực hiện) LDO | 20/11/2019 12:44

Là một trong những giáo viên trẻ nhất, cả tuổi đời và tuổi nghề (thâm niên 9 năm công tác) trong số 183 giáo viên vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tôn vinh trong chương trình “Nhà giáo của năm 2019”, cô giáo Vũ Bích Phương (Trường THCS Dịch Vọng - Hà Nội) thực sự vô cùng đặc biệt. Bởi lẽ, trong khi hầu hết những người đi trước lựa chọn phương án truyền thống đó là chờ các con qua lứa tuổi vào lớp 7 mọi việc sẽ trở lại bình thường thì cô Phương lại trăn trở làm thế nào thay bước vào sự “xáo trộn” ấy để cùng các con vượt qua giai đoạn khó khăn.

Có ý kiến cho rằng, giáo viên chủ nhiệm là một nhiệm vụ rất nặng nề, vậy cô có đánh giá gì?

- Trong quá trình chủ nhiệm lớp, tôi nhận thấy xuất phát điểm các em học sinh đang tuổi mới lớn có rất nhiều vấn đề, đó là vấn đề gia đình, xã hội ảnh hưởng lớn tới tâm lý các con. Mình không thể dạy theo cách xưa cũ “gọi dạ bảo vâng” mà bắt buộc phải có cách để các con hiểu rằng mình đang sống ở thời đại như thế nào. Quan trọng là phải thay đổi góc nhìn, cùng với phụ huynh sẽ thấy rằng sau đó các con có rất nhiều năng lượng tích cực. Với các bạn có năng khiếu sẵn, không phải lo lắng nhiều vì cách nào các bạn cũng chú tâm vào việc học và tự học. Nhưng với các bạn còn đang “chới với”, chưa biết cách học ở đâu, chưa có động lực thì rất cần sự can thiệp của giáo viên.

Và sau khi năm chủ nhiệm đầu tiên đi qua một cách êm đẹp, sang năm thứ 2, khi các bạn vào lớp 7, bước vào giai đoạn tâm sinh lý thay đổi lớn, tôi bắt đầu bị stress vì thấy rằng mình bất lực và nhận ra không phải mình yêu thương các con bao nhiêu, đối xử tốt thế nào thì các con sẽ ngoan bấy nhiêu. Ở tuổi đó, các bạn đã nhìn nhận thông suốt nhiều điều và mình không thể che giấu nên bắt buộc phải đối mặt. Trong khi hầu hết những người đi trước lựa chọn phương án truyền thống đó là chờ các con qua lứa tuổi ấy mọi việc sẽ trở lại bình thường thì tôi lại trăn trở làm thế nào thay bước vào sự “xáo trộn” ấy để cùng các con vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nhưng dù tìm ra câu trả lời thì để đi tới hành động cũng không hề đơn giản vì có những con thật sự cá biệt, trong những hoàn cảnh vô cùng đặc biệt vẫn “không khuất phục”, dù mình đã rất cố gắng gần gũi, tìm đến tận nhà để tâm sự cùng con. Nhưng kiên trì chưa bao giờ phản tác dụng, một khi các con có sự thay đổi thì thay đổi rất lớn.

Từ đó, tôi đã đúc rút tìm được thứ “vaccine tiêm phòng” để phòng trước cho các con. Ví dụ tôi đánh giá được tâm lý lứa tuổi của từng học sinh ở giai đoạn sắp tới, rồi “tiêm những liều vaccine” từ trước vào tâm lý của các con, cùng phối hợp với phụ huynh nên đã mang tới những thành công.

Giai đoạn “xáo trộn” như cô nói không chỉ kéo dài một vài tháng, làm cách nào để có thể song hành cùng hàng chục học sinh trong suốt những năm học ấy?

- Với kinh nghiệm dạy ở Thiền viện suốt 9 năm (từ thời sinh viên), với lượng học sinh mỗi năm khoảng 300 - 500 em, đó là môi trường thử thách vô cùng “khắc nghiệt”, tôi nhận ra rằng yêu thương là chưa đủ, vẫn cần tới kỷ luật với mỗi học sinh vì mỗi học sinh có cá tính khác biệt, không thể “bào nhẵn” cá tính để tạo ra những sản phẩm giáo dục hàng loạt mà phải tạo cho các em phát huy khả năng của mình để hoàn thiện hơn với chính bản thân của ngày hôm trước. Đó là triết lý giáo dục đầu tiên của tôi. Thứ hai là trẻ con muốn học được cần 3 yếu tố đó là yêu học, cô đọng và khoa học. Do vậy, bất cứ môn học nào các em gặp khó khăn tôi luôn quay trở lại vấn đề các con đã vui học hay chưa.

Như cô vừa nói, vui học - đó cũng là chủ trương mà ngành Giáo dục đang hướng tới. Vậy cô giáo có những phương pháp nào để học sinh của mình cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”?

- Khi cho các con đi chơi dã ngoại, tôi tổ chức các trò chơi xen lẫn vào đó kiến thức đang học. Ví dụ chơi trò mật thư, tôi đưa ra gợi mở mật thư cất giấu nằm trên đường trung trực giữa hai ngôi nhà sàn A và nhà sàn B, các con sẽ phải áp dụng kiến thức toán lớp 7 vào để tìm. Bạn nào thông minh, chỉ cần lấy bản đồ để xem chứ không phải lần mò trên thực tế. Các con rất vui và cảm thấy yêu thích môn học hơn rất nhiều. Cũng từ đó, tôi phát hiện ra có những em có tố chất, năng lực rất tuyệt vời khi đối mặt với thực tế.

Đặc biệt, đối với lớp tôi chủ nhiệm, ai cũng có nhiệm vụ, vai trò của mình từ cán sự cây, cán sự xe, cán sự ghế, cán sự nước… và quy ra điểm cộng. Với một học sinh rất bình thường cũng có những điểm cộng phù hợp với năng lực của bạn ấy. Mô hình được xây dựng theo 9 tổ, 9 tổ trưởng và 9 tổ phó và các bạn kiểm tra chéo lẫn nhau. Hay như biểu diễn văn nghệ, cả lớp 53 học sinh của tôi ai cũng được lên sân khấu, ai cũng có vai diễn của mình. Vai chính là một bạn tưởng chừng như học đuối nhất lớp nhưng sau khi cảm thấy mình cũng có thể làm tốt như các bạn, con đã tiến bộ rất nhanh.

Tôi tâm niệm có 3 yếu tố mang tới thành công, đó là: Trí tuệ, Đạo đức và Nghị lực. Từ đó truyền cho các con cách đối mặt với một vấn đề, phải đánh giá được đúng - sai từ góc nhìn đa chiều, và đưa ra hướng giải quyết cụ thể.

- Xin cảm ơn cô!

Cô Vũ Bích Phương, sinh năm 1989 đã đạt được nhiều thành tích như: Trực tiếp biên soạn giáo trình dạy môn Sinh học với 6 chủ đề tích hợp trên nền tảng phần mềm công nghệ ONENOTE; Hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức và triển khai dự án trong mùa hè; Cùng đồng nghiệp nghiên cứu và biên soạn công trình “Dự án ứng phó biến đổi khí hậu - mô hình dạy và học định hướng phát triển bền vững”; Tạo kho tài nguyên trực tuyến từ xa về các bài học; Xây dựng bộ hồ sơ Sổ liên lạc và sổ chấm chéo với mục đích tăng tính tự quản của học sinh; bộ hồ sơ quản lý học sinh từ xa giúp phụ huynh học sinh có thể cùng giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ các con trong học tập, đã được Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GDĐT mời phối hợp chia sẻ cho các giáo viên các trường và một số tỉnh thành trong cả nước... Cô được tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2019”. Đ.T - H.N

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn