MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên ở Hà Nội thực hiện dạy học qua truyền hình. Ảnh: Phan Anh

Cơ hội đổi mới giáo dục từ dịch COVID-19

Đặng Chung LDO | 23/03/2020 06:26

Học sinh phải nghỉ học dài ngày, việc tuyển sinh bị ảnh hưởng, nhiều trường tư thục lâm cảnh khó khăn... là những thách thức mà dịch COVID-19 đưa đến với ngành giáo dục. Nhưng đây cũng cơ hội để toàn ngành nhìn lại và chuyển mình theo hướng tích cực, quyết liệt thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Thúc đẩy phát triển giáo dục trực tuyến

Từ đầu mùa dịch, học sinh của Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) vẫn học tập bình thường, mọi hoạt động diễn ra đúng như thời khóa biểu.

7h sáng hằng ngày, giáo viên chủ nhiệm sẽ điểm danh, kiểm soát sĩ số lớp, học sinh vắng mặt phải có lý do từ phụ huynh. Điểm khác nhau duy nhất giữa tiết học trong mùa dịch so với trước đây là toàn bộ hoạt động này diễn ra trên mạng. 

Trong những ngày học sinh nghỉ học, giáo viên của trường đã miệt mài làm việc. Người giỏi công nghệ hỗ trợ người biết ít hơn. Kể cả những giáo viên đã cao tuổi cũng nỗ lực học hỏi, để có thể đáp ứng công việc trong tình hình mới.

2 tháng cùng cả nước chống dịch COVID-19, đến nay giáo viên của Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành đã có thể sử dụng thành thạo các kỹ thuật, hiệu ứng trên nền tảng của Microsoft Office 365 để tăng sức hấp dẫn cho những “lớp học không khoảng cách”.

Giáo viên thực hiện dạy học online trong mùa dịch. Ảnh: Tô Thê

Tất cả các môn, kể cả âm nhạc, thể dục cũng vừa được nhà trường thực hiện thành công theo phương thức học online. Đây là một trong những cơ sở giáo dục phổ thông đầu tiên trên cả nước dạy học trực tuyến thành công theo thời khóa biểu trong mùa dịch. 

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, như tất cả các ngành khác, giáo dục cũng có những giải pháp mạnh mẽ, quyết đoán để ứng phó. Hoàn cảnh đặc biệt buộc chúng ta có cách ứng xử đặc biệt. 63 tỉnh thành trên cả nước đều cho học sinh nghỉ học để phòng dịch. Việc học sinh phải học dài ngày và chưa biết còn nghỉ tới lúc nào là chuyện chưa từng có ở nước ta trong suốt 20 năm qua. 

Nhưng nếu nhìn xa hơn, thì thấy đây là cơ hội để ngành giáo dục nhìn lại, quyết liệt thực hiện đổi mới mạnh mẽ nền giáo dục, từ phương thức dạy học, đến cách kiểm tra, đánh giá, giảm tải chương trình.

Thời gian qua, một phong trào chuyển đổi phương thức dạy học được thực hiện đồng bộ ở các trường học trên cả nước, để kịp thời ứng phó với tình hình mới. Các nền tảng công nghệ phục vụ giáo dục trong thời 4.0 đã được các cơ sở giáo dục áp dụng, bước đầu mang lại kết quả trong việc duy trì nền nếp học tập của học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ phòng dịch.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, COVID-19 có thể đặt ngành giáo dục trước nhiều thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội để đổi mới. Bài học mà ngành giáo dục cần rút ra qua gần 2 tháng đương đầu với dịch bệnh, với việc trường học phải đóng cửa, học sinh phải nghỉ học chính là: Tích cực, chủ động thì mới chiến thắng. Trường học đóng cửa không có nghĩa học sinh nghỉ học. 

“Lúc đầu, ngành giáo dục bị động, khi tính phương án học sinh nghỉ bao nhiêu ngày thì sẽ học bù bấy nhiêu, mà chưa kịp thời tính đến việc áp dụng triệt để công nghệ để học tập trong tình hình mới. Học sinh không thể học tập trung ở trường thì phải nghĩ cách để các em học theo phương thức khác.

Vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản cho phép, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện dạy học từ xa. Tôi cho rằng đây là quyết định cần thiết trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay”- GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh. 

Nỗ lực của từng giáo viên

Trong gần 2 tháng qua, khi học sinh nghỉ học đã gây ra không ít khó khăn đội ngũ giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục. Nhưng trong lúc khó khăn, nhiều địa phương đã quyết định chia sẻ với phụ huynh, giáo viên để cùng phòng, chống dịch, bằng việc cấp kinh phí để thực hiện dạy học online, dạy học qua truyền hình.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, có sự góp công rất lớn của hàng triệu giáo viên trên cả nước. Để có những giờ học online chất lượng và hiệu quả, giáo viên đã kiên trì tự học, tự trau dồi mỗi ngày. Học sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, học quay, học dựng video, tập làm MC, dẫn chương trình để có thể dạy học qua truyền hình... Giáo viên xác định, dịp này là cơ hội để thầy cô nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. 

Còn tại những vùng khó khăn, học sinh chưa có điều kiện tiếp cận với phương thức học online, thì giáo viên là những chiến sĩ, tìm mọi cách để truyền tải kiến thức đến học trò.

Theo thầy Dương Văn Đông - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Ngọc Long, huyện Yên Minh (Hà Giang), những ngày qua, ngoài việc nỗ lực soạn bài tập, nội dung ôn tập cho học sinh qua Email, tin nhắn, với những em không thể tiếp nhận qua kênh Internet, giáo viên đã tới tận nhà để hướng dẫn trực tiếp.

Trong những ngày học sinh nghỉ học, giáo viên bận rộn hơn, vất vả hơn, nhưng tất cả đều xác định đây là nhiệm vụ, góp phần chiến thắng dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn