MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làng Đại học Đà Nẵng sau 23 năm chỉ có 3 trường được hoàn thiện, đạt 0,5% so với quy hoạch. Ảnh: Sơn Tùng

Cơ hội vàng tái khởi động dự án Làng Đại học Đà Nẵng

Thuỳ Trang LDO | 21/05/2020 15:31
Bộ trưởng Bộ GDĐT vừa có buổi làm việc với UBND Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng bàn phương án gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng (GPMB), đồng thời đề nghị các bên phải tiến hành nhanh chóng để tái khởi động dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Bởi sau 23 năm bị “treo”, người dân mòn mỏi chờ giải toả di dời ổn định cuộc sống thì nay dự án đã được bố trí vốn. Nếu không làm nhanh, Làng Đại học lớn nhất nhì cả nước sẽ có thể mất thêm vài chục năm nữa mới có cơ hội hình thành.

Gỡ nút thắt về vốn sau 23 năm

Từ năm 1997, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng có quy mô 286,5ha, trong đó có 96,5 ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng đến nay đã 23 năm, dự án vẫn đang bị “treo”. Có lúc người dân Đà Nẵng đã muốn “thả tay”, cả đại biểu và HĐND thành phố đã đề nghị không làm nữa vì cứ kéo dài dự án lại càng ảnh hưởng người dân. Không ít người cứ nhắc đến dự án với những tiếng thở dài, bởi dự toán kinh phí hơn 8.600 tỉ đồng là một con số quá lớn với ngân sách.

Thế nhưng, cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 1.000 tỉ đồng cho giai đoạn đầu tư trung hạn 2016 - 2020 để triển khai Làng Đại học Đà Nẵng. Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GDĐT cho biết thêm, trong năm 2020, đã được dành 1.000 tỉ đồng cho dự án Làng ĐH Đà Nẵng.

Bộ cũng đang đề nghị Đại học Đà Nẵng triển khai đúng tiến độ các tài liệu báo cáo theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới để tiến hành thẩm định hồ sơ Dự án ODA vay vốn Ngân hàng Thế giới về Dự án phát triển các Trường Đại học Quốc gia Việt Nam, Tiểu dự án Đại học Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025. “Với những nguồn lực do Bộ bố trí, nếu dự án triển khai theo kịp tiến độ giải ngân vốn thì chúng ta đang có khoản 4.000 tỉ đồng để xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng. Cộng với đó, Đại học Đà Nẵng cũng sẽ huy động nguồn lực thêm 1.000 tỉ đồng. Số còn lại, khoảng 3.000 tỉ đồng có thể được tính toán bằng cách chuyển đổi các cơ sở cũ của các trường thành viên, kêu gọi các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong dự án có 20% quỹ đất thương mại cũng sẽ là nguồn bổ sung vốn cho dự án sau này. Tất cả cho thấy, Làng Đại học Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội lớn để tái khởi động và hình thành trong nay mai” - ông Khánh cho hay.

Trao đổi với chính quyền Đà Nẵng, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GDĐT - nhận định: “Sau 23 năm, khó khăn lớn nhất của chúng ta trước nay là nguồn vốn thì nay từ Chính phủ và Bộ GDĐT đã dành sự quan tâm không hề nhỏ. Chúng tôi mong chính quyền Đà Nẵng sẽ hỗ trợ hết mình để có thể gỡ nút thắt tiếp theo là công tác GPMB, giải ngân số vốn được bố trí. Nếu không làm ngay lúc này thì chưa biết đến khi nào mới có cơ hội phát triển giáo dục Đại học tại Đà Nẵng trong tương lai”.

Đẩy nhanh GPMB, tái định cư để nắm cơ hội vàng

Tiền đã có, thế nhưng nếu không có kế hoạch “tiêu” ngay 400 tỉ đồng cho công tác GPMB trong năm 2020 thì Đà Nẵng sẽ có thể mất đi cơ hội vàng này. Bởi, với phương án GPMB như hiện nay thì việc giải ngân số tiền trên là không thể. Trong khi đó, sau 30.6, nếu dự án vẫn chưa đủ điều kiện để phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2020, Bộ GDĐT sẽ đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án khác có khối lượng thực hiện, có nhu cầu cấp bách về vốn. Ông Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng - đã đề xuất 2 phương án bố trí tái định cư. Trong đó, phương án xây dựng khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi GPMB của dự án được Đà Nẵng ủng hộ. Tuy nhiên, để triển khai được những việc trên cũng mất nhiều thời gian chứ chưa nói đến việc “tiêu” ngay một đồng nào từ số tiền 400 tỉ đồng đã được bố trí.

Chính vì vậy, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - đề xuất, để nhanh chóng giải ngân nguồn vốn, phương án tái định cư cho hàng nghìn hộ dân tại dự án phải được thực hiện đa dạng, linh hoạt từ bồi thường thương mại, tái định cư tập trung, tái định cư ở những lô đất hiện có. Đà Nẵng đã chuẩn bị một khu tái định cư mới hoàn toàn, chủ yếu là đất nông nghiệp để dễ giải toả hơn. “Đà Nẵng cũng sẽ đề nghị Sở Tài chính xem xét phương án có văn bản gửi Bộ GDĐT xin ứng tiền để thực hiện công tác GPMB, chi trả ngay cho các hộ dân đồng ý một trong số các phương án di dời giải toả. Làng Đại học Đà Nẵng là một trong những hạt nhân của khu đô thị sáng tạo của thành phố. Chính vì vậy, cả Bộ GDĐT, Đại học Đà Nẵng và thành phố sẽ cùng nhau phối hợp đẩy nhanh các thủ tục từ Trung ương đến địa phương, lên kế hoạch tiến độ chi tiết của tất cả các công đoạn. Cái khó nhất đã ổn rồi thì còn lại các thủ tục là phần  của chúng ta thì phải làm cho tốt, để không bỏ lỡ cơ hội lớn này” - ông Thơ phát biểu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn