MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên học ngành ngôn ngữ có cơ hội việc làm rộng mở. Ảnh: Minh Hà

Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Ngôn ngữ học

Vân Trang LDO | 22/05/2023 20:38

Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có cơ hội việc làm rộng mở. 

Cơ hội việc làm rộng mở

Theo thông tin từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để có thể làm việc ở nhiều cơ quan, tổ chức trong các lĩnh vực công việc như:

Lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học: Cử nhân Ngôn ngữ học có thể học lên bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học để trở thành nhà nghiên cứu chuyên ngành hay liên ngành ở các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu.

Lĩnh vực báo chí, truyền thông đại chúng: Biên tập báo, biên tập website; viết tin, bài; xây dựng kịch bản truyền hình; làm phóng sự truyền hình; viết nội dung phim tài liệu; sáng tác kịch bản phim; chuyển thể kịch bản phim; viết lời thoại; dẫn chương trình…

Lĩnh vực biên tập, xuất bản, dịch thuật: Biên tập sách, báo, tạp chí; làm các công tác xuất bản; công tác biên phiên dịch; tham gia các hoạt động biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo.

Lĩnh vực quản lý hành chính văn phòng: Kiến thức ngôn ngữ học có thể tạo điều kiện cho sinh viên ra trường tham gia làm các công việc hành chính, quản trị văn phòng, quản lý hệ thống văn bản.

Lĩnh vực phê bình, sáng tác văn học, nghệ thuật: Kiến thức ngôn ngữ học và văn học giúp sinh viên ra trường có thể hoàn toàn độc lập trong sáng tác văn chương, sáng tác ca từ nhạc; phê bình văn học; phê bình nghệ thuật; tham gia hoạt động liên quan đến sáng tạo nghệ thuật ngôn từ.

Lĩnh vực lưu trữ, thư viện, trung tâm từ điển: Sinh viên ra trường có thể làm việc tại các trung tâm lưu trữ thông tin, dữ liệu; làm việc tại các thư viện, các trung tâm xử lý thông tin ngôn ngữ, tham gia biên soạn từ điển và kim từ điển.

Lĩnh vực giảng dạy, đào tạo: Kiến thức nền tảng về ngôn ngữ học và các kiến thức giáo dục học bổ sung là cơ sở vững chắc cho sinh viên ngành Ngôn ngữ học sau khi ra trường có thể tham gia vào công việc giảng dạy và đào tạo ngành Ngữ văn tại các trường và trung tâm đào tạo.

Ngoài ra, nếu kết hợp được với các kiến thức bổ sung cộng với kỹ năng nghề nghiệp, cử nhân Ngôn ngữ học có thể tham gia hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực như:

Lĩnh vực quan hệ công chúng, ngoại giao: Làm các công việc liên quan đến quảng cáo, tiếp thị, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện; công tác đối ngoại, ngoại giao.

Lĩnh vực bệnh lý liên quan đến tâm lý ngôn ngữ: Tham gia vào công tác nghiên cứu và điều trị các bệnh lý về năng lực ngôn ngữ hay tâm lý ngôn ngữ

Lĩnh vực công nghệ thông tin liên quan đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên: Tham gia vào các dự án xử lý ngôn ngữ tự nhiên như dịch tự động; xây dựng lời nói nhân tạo; phân tích văn bản tự động; sửa lỗi chính tả tự động; phân tích ngôn ngữ tội phạm.                         

Lĩnh vực quản lý nhà nước: Kiến thức vĩ mô về ngôn ngữ học cung cấp cho người học những nền tảng trong các công việc quản lý nhà nước liên quan đến xây dựng chính sách ngôn ngữ, chính sách dân tộc, phát triển văn hoá xã hội; bảo tồn văn hoá phi vật chất, bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá dân tộc.

Mức lương của ngành Ngôn ngữ học

Theo các chuyên gia tuyển sinh, nhìn chung, với vốn ngoại ngữ thành thạo thì bất kỳ ngành nghề nào cũng đều có mức lương hấp dẫn.

Theo thông tin Trường Đại học Hoa Sen, mức lương của ngành Ngôn ngữ Anh tùy thuộc vào công việc mà người học lựa chọn sau khi ra trường.

Mức lương ngành Ngôn ngữ Anh của sinh viên mới ra trường dao động trung bình từ 400-700 USD/tháng (khoảng 9-15 triệu đồng). Tùy thuộc vào khả năng và kinh nghiệm làm việc mà mức lương này sẽ được nâng đến 1000 USD/tháng (khoảng 24 triệu đồng), thậm chí cao hơn nếu bạn đủ năng lực và có nhiều kinh nghiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn