MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Phạm Tất Dong - cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam đồng tình với phương án bỏ xét học bạ THPT trong tuyển sinh đại học. Ảnh: Hữu Nghị

Có nên loại bỏ phương thức xét tuyển đại học bằng điểm học bạ THPT?

Thanh Hằng LDO | 06/01/2024 06:23

Năm 2024, nhiều trường đại học top đầu nói không với việc xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Điều này nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh trên cả nước. Để có cái nhìn đa chiều, phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với GS.TS Phạm Tất Dong - cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường tuyên bố loại phương thức xét học bạ THPT ra khỏi các phương thức xét tuyển đại học, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Trong nhiều năm gần đây, xét học bạ đã trở thành một trong những phương thức xét tuyển đại học phổ biến được nhiều người lựa chọn, bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, mức độ tin cậy của phương thức này đang bị giảm sút, chưa phản ánh đúng thực chất năng lực của người học. Việc các trường đại học có xu hướng loại bỏ phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ là hoàn toàn hợp lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xét tuyển bằng điểm học bạ THPT gây tiêu cực trong tuyển sinh đại học...

- Theo tôi, điểm học bạ là điểm đánh giá một quá trình học tập của học sinh cùng với cách tính điểm trung bình cộng nên việc bù điểm, kéo điểm giữa các kỳ kiểm tra sẽ có lợi thế hơn so với tính điểm môn thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển đại học.

Bên cạnh đó, chất lượng các cơ sở giáo dục hiện nay ở nước ta vẫn chưa đồng đều, nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở sẽ khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ THPT để xét tuyển đại học, sẽ không bảo đảm sự công bằng trong xét tuyển đại học giữa các thí sinh trong cả nước.

Việc các trường đại học chấp nhận xét học bạ ít nhiều dẫn đến các vấn đề tiêu cực trong xét tuyển. Ví dụ như tình trạng "mua điểm", “làm đẹp học bạ", từ đó dẫn tới khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh.

Một số trường hợp "chạy điểm" nhằm mục đích làm đẹp học bạ hoặc một số giáo viên cũng tạo điều kiện, nới lỏng tay khi chấm điểm cho học sinh, gây ra sự không đồng đều về điểm số giữa các trường.

Theo tôi, cần nghiêm túc xem xét lại việc xét tuyển học bạ tràn lan như hiện nay, thậm chí loại bỏ phương thức xét học bạ ra khỏi việc xét tuyển đại học. Như vậy mới giảm thiểu tình trạng lạm phát điểm học bạ, chạy điểm làm đẹp học bạ.

Từ những phân tích trên, ông có dự báo gì về xu hướng xét tuyển đại học trong những năm tới?

- Trong các mùa tuyển sinh sau, nhiều trường đại học top đầu có xu hướng bỏ phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ và tăng cường các kỳ thi riêng để tuyển sinh đầu vào. Đây có thể xem là một phương án phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các trường top đầu có thể đưa ra đề án tuyển sinh riêng với một số quy định nghiêm ngặt hơn để lọc thí sinh giỏi thực sự như: Tăng chỉ tiêu cho các phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, xét điểm học bạ...

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn