MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng các trường cần lưu ý khi xét tuyển bằng điểm học bạ. Ảnh: Quang Đại

“Có nơi điểm học bạ rất long lanh, nhưng chất lượng chưa chắc cao”

Đặng Chung LDO | 08/05/2020 12:25

Trước tỉ lệ trường đại học xét tuyển bằng điểm học bạ ngày càng tăng cao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lưu ý địa phương và các trường cần quan tâm đến chất lượng, bởi có những vùng học bạ rất long lanh nhưng chưa chắc chất lượng đã cao.

Trường đại học lưu ý xét tuyển bằng học bạ

Theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật Giáo dục Đại học, những năm qua, các cơ sở giáo dục đại học đã đẩy mạnh sự tự chủ tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, số thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ tăng đều qua các năm.

Năm 2018, thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ chiếm 18%, đến năm 2019 tăng lên gần 30%. Dự đoán, năm 2020, tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng, do quyền tự chủ ngày càng mở rộng, các trường cũng muốn tạo thuận lợi cho thí sinh trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, vấn đề chất lượng khi xét tuyển bằng điểm học bạ đã được đặt ra nhiều năm qua. Không chỉ học sinh lo ngại về tính công bằng, mà dư luận xã hội cũng băn khoăn về chất lượng tuyển sinh.

GS-TS Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nếu trường đại học lấy chất lượng thí sinh làm tiêu chí hàng đầu khi tuyển sinh thì cần cân nhắc, tránh chỉ dùng điểm học bạ làm căn cứ xét tuyển. Bởi thực tế cho thấy, một số trường trường phổ thông không quá khắt khe khi đánh giá, cho điểm học sinh. 

Khi đó, chúng ta xét theo học bạ sẽ có yếu tố thiếu chính xác, không công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan, nhất là các ngành “hot” như công nghệ thông tin, y, dược, kinh tế, luật....

Tại hội nghị về công tác tuyển sinh năm 2020 vào sáng 8.5, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề này.

“Xét tuyển dựa vào kết quả học bạ là một phương thức tuyển sinh, tuy nhiên cơ sở giáo dục đại học cần lưu ý khi dành quá nhiều chỉ tiêu cho phương thức này bởi lẽ chất lượng điểm trong học bạ giữa các trường, các vùng miền có khác nhau.  Có những vùng học bạ rất long lanh nhưng chưa chắc chất lượng đã cao”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đưa ra giải pháp cho vấn đề này là từ năm 2020 Bộ sẽ công bố phổ điểm, phân tích và đối sánh điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp THPT. Thầy cô nào cho điểm cao, học bạ long lanh, mà đến lúc thi điểm thấp thì dư luận sẽ giám sắt, đặt dấu hỏi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị về công tác tuyển sinh năm 2020. 

Không nên nói “đỗ tốt nghiệp 98% thì tổ chức thi làm gì?”

Tại hội nghị về công tác tuyển sinh năm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ, Bộ đã rất khó khăn khi đưa ra đề xuất phương án thi năm 2020, vừa phải đảm bảo tính pháp lý, vừa lắng nghe ý kiến của phụ huynh, xã hội và khó có phương án nào tốt hơn phương án hiện tại.

Trước băn khoăn, hàng năm tỉ lệ đỗ tốt nghiệp luôn đạt 97%, 98%, vì sao phải tổ chức một kỳ thi để phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng GDĐT cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp rất cần thiết, để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên mặt bằng cả nước. Căn cứ vào đó, ngành giáo dục có nhìn nhận tổng quan để lưu ý từng địa phương về nội dung, phương pháp, tổ chức, đánh giá quá trình dạy- học. 

Ví như những năm trước khi điểm môn Lịch sử, Tiếng Anh trong kỳ thi quốc gia đạt ở mức thấp,  Bộ cùng các địa phương cùng nhau tìm nguyên nhân, đánh giá tác động để từ đó điều chỉnh phù hợp.

Bộ trưởng cho rằng, trong 12 năm học có rất nhiều kỳ thi, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT là rất quan trọng. Nếu được tổ chức khách quan, minh bạch, thì khi học sinh có bằng THPT thì họ có quyền vào bất cứ trường đại học nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn