MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cô nữ sinh con nhà nghèo với ước mơ trở thành dược sĩ

Quách Du LDO | 19/07/2019 19:00

Bố bị teo dây thần kinh thị lực, mắt không nhìn thấy, mẹ ngày ngày đạp xe đi buôn đồng nát kiếm tiền nuôi gia đình và chị gái học đại học. Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn,  em Lê Thị Thùy (học sinh lớp 12C1, Trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã nỗ lực vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập.  

Ước mơ thành dược sĩ

Những ngày này, gia đình anh Lê Bảo Bình và vợ là Lê Thị Tính (cùng 43 tuổi, trú tại thôn Học Thượng, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) trở nên đông vui hơn khi nhiều người thân, hàng xóm đến chúc mừng cô con gái thứ 2 là Lê Thị Thùy (học sinh lớp 12C1, Trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa), vừa đạt kết quả cao sau kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Bố mẹ em Lê Thị Thùy vui mừng trước kết quả của con gái. Ảnh: Quách Du 

Tại kỳ thi vừa qua, Thùy đạt tổng điểm xét tuyển khối A đại học với 28,05 điểm (Toán 9,8 điểm; Lý 9,25 điểm và Hóa 9 điểm), em đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Dược Hà Nội.

Chia sẻ với PV Báo Lao Động, chị Lê Thị Tính (mẹ của em Thùy) cho biết, trước khi diễn ra kỳ thi Thùy nặng 43kg, nhưng sau thi, em bị sút chỉ còn 37kg, do áp lực ôn thi và mục tiêu đạt kết quả cao để xét tuyển đại học.

Thùy cho biết, vì gia đình khó khăn, nên ngoài việc học trên trường, lúc rảnh em thường ra đồng giúp mẹ và làm các công việc gia đình. Em không học thêm ngoài mà chỉ tập trung học theo sách giáo khoa và hướng dẫn của các thầy trên trường.

Em Lê Thị Thùy, nữ sinh Trường THPT Lê Văn Hưu (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: Quách Du

“Trước khi tham gia kỳ thi, em xin tài liệu ôn thi của các anh chị về đọc và lên mạng tham khảo những bộ đề. Thời gian học của em không cố định, chỉ học khi có cảm hứng, những lúc như vậy sẽ tập trung và tiếp thu được nhiều hơn” – Thùy chia sẻ bí quyết ôn thi.

Thùy cho biết thêm, em đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Dược Hà Nội là do chứng kiến cảnh gia đình thường xuyên có người đau ốm. Đặc biệt, đôi mắt của của bố em, không thể nhìn thấy do bị teo dây thần kinh thị lực. Em muốn vào trường dược để có cơ hội tiếp xúc, nghiên cứu, điều chế ra các loại thuốc, mang lại giá trị cho gia đình và cộng đồng.

Có đi vay, cũng quyết nuôi con học

Được biết, hoàn cảnh gia đình em Thùy khá khó khăn khi bố của em bị bệnh. Mọi công việc của gia đình đều dồn hết lên đôi vai của chị Tính.

Ngoài 4 sào ruộng, chị làm thêm nghề thu mua đồng nát. Mỗi ngày, bằng chiếc xe đạp, chị rong ruổi trên những đường làng, ngõ xóm của khắp các huyện để thu mua phế liệu về bán.

Chị Tĩnh vẫn ngày ngày trên chiếc xe đạp đi thu gom đồng nát, kiếm tiền nuôi các con ăn học. Ảnh: Quách Du  

“Ngày may thì kiếm được chừng 150.000 đồng, ngày không may chỉ được 50.000 để gom góp, trang trải cho cả gia đình. Cho dù nắng hay mưa, ngày nào tôi cũng đạp xe đi thu gom, cốt kiếm thêm vài đồng để lo cho cả nhà” – chị Tính ngậm ngùi.

Theo chị Tính, vì gia đình khó khăn nên hai chị em Thùy (chị gái Thùy là Lê Thị Nhung – hiện đang là sinh viên năm thứ 3 Học viện Tài chính Hà Nội) có phần thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa. Mỗi tháng, gia đình chỉ gửi cho Nhung 1 triệu đồng để trang trải việc học hành ở Hà Nội, còn lại, Nhung tự đi làm thêm.

Riêng em Thùy, cả 3 năm học cấp 3, dù nhà cách trường khá xa, nhưng em vẫn phải đi xe đạp cọc cạch đến trường, trong khi các bạn cùng lứa đều đi xe đạp điện.

“Cũng rất thương, nhưng không còn cách nào khác, chỉ động viên các con cố gắng vượt khó. Đổi lại, 2 em đều chăm chỉ học hành và đỡ đần công việc gia đình. Tới đây, khi Thùy nhập học, tôi biết sẽ khó khăn gấp bội và chưa biết sẽ xoay sở ra sao. Tuy nhiên, nếu thiếu, gia đình cũng sẽ vay anh em, làng xóm, miễn sao có tiền cho các cháu học” – chị Tính nói.

Chia sẻ với những khó khăn của gia đình, Thùy cho biết, tới đây, sau khi ra Hà Nội nhập học và tạm ổn định, em cũng như chị gái, sẽ tìm và xin đi gia sư để có thể kiếm thêm chút thu nhập, đỡ đần gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn