MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có nước cho phép giáo viên sử dụng đòn roi để phạt học sinh

Trà My LDO | 11/12/2023 21:01

Trước tình trạng giáo viên bị học sinh bạo hành, xúc phạm, ở mỗi quốc gia lại có cách thức xử lý vấn đề này theo hướng khác nhau để bảo vệ giáo viên.

Hàn Quốc

Hàn Quốc từng thực hiện khảo sát 9.000 giáo viên. Trong đó, khoảng 61,3% người bị học sinh bắt nạt hoặc tấn công. Năm 2022, Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc thống kê, trong năm 2021 có 347 giáo viên bị học sinh tấn công, cao gấp 2 lần so với năm 2018.

Trước tình hình trên, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã ban hành chính sách bảo vệ quyền lợi của giáo viên và trao cho thầy cô quyền kiểm soát lớp học.

Cụ thể, giáo viên phổ thông được phép yêu cầu học sinh gây rối rời lớp và tịch thu điện thoại di động nếu các em có hành vi phá vỡ kỷ luật học tập, làm ảnh hưởng đến các bạn khác.

Nếu học sinh không tuân thủ quy tắc, giáo viên có thể thông báo với hiệu trưởng để đưa ra các hình phạt. Trong tình huống khẩn cấp, giáo viên được phép sử dụng vũ lực để kiềm chế học sinh gây rối nếu các em đe dọa thể chất giáo viên hoặc học sinh khác. Giáo viên cũng có thể sử dụng vũ lực nếu kỷ luật bằng lời nói không có tác dụng. Hiện nay, giáo viên bị cấm trừng phạt thân thể học sinh.

Ngoài ra, chính sách mới có thêm yêu cầu, trong trường hợp học sinh và phụ huynh không đồng tình với phương pháp giảng dạy của giáo viên, gia đình có quyền gặp hiệu trưởng để giải quyết sự việc trực tiếp.

Giáo viên và phụ huynh có thể gặp gỡ và trao đổi với nhau. Tuy nhiên, việc trao đổi diễn ra trong giờ làm việc của giáo viên và phải được lên lịch trước. Buổi trao đổi chỉ được thực hiện khi giáo viên và phụ huynh tuân thủ quy tắc trên.

Trong trường hợp phụ huynh có hành vi quấy rối, mắng chửi hoặc bạo lực thể chất, giáo viên có quyền chấm dứt gặp gỡ phụ huynh. Giáo viên có thể từ chối gặp hoặc trao đổi với phụ huynh ngoài giờ làm việc.

Anh

Theo thống kê của Hiệp hội Giáo viên quốc gia, năm 2022, 13% giáo viên bị học sinh tấn công và 28% bị phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh bạo hành bằng lời nói. Giáo viên báo cáo thường bị học sinh đấm, đá, đánh và tát.

Trước vấn đề trên, phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Anh cho biết: Chính phủ đang hành động để cải thiện hành vi của học sinh nhằm đảm bảo cho giáo viên được an toàn và tôn trọng ở mọi nơi. Theo đó, từ năm 2021-2024, Chính phủ nước này chi ra 10 triệu bảng Anh (304 tỉ đồng) để giúp 700 trường học "cải thiện hành vi của học sinh".

Mỹ

Ở một số bang tại Mỹ vẫn cho phép thầy cô dùng đòn roi với học sinh nhưng phải được sự chấp thuận của phụ huynh hoặc người giám hộ.

Tuy nhiên, có những quy tắc mà giáo viên bắt buộc phải tuân thủ nếu không muốn bị kiện vì hành vi ngược đãi trẻ em. Đó là roi để phạt học sinh phải có hình bản dày, để tránh gây thương tích cho các em. Các hình thức như tát, véo tai, đánh hay các hình thức lăng mạ học sinh đều bị cấm tuyệt đối.

Singapore

Tại Singapore, Bộ Giáo dục nước này nêu, kỷ luật là quá trình giáo dục nhằm giúp học sinh phát triển khả năng tự quản lý và hình thành nhân cách tốt. Các em cần sự quan tâm, khuyến khích và không gian để học hỏi từ những sai lầm và tiến bộ.

Trên trang web chính thức, Bộ Giáo dục Singapore nêu rằng, nhà trường có thể áp dụng các hình thức kỷ luật như giam giữ, đình chỉ, cải tạo thông qua hình thức phục vụ cộng đồng, nhưng cần xem xét áp dụng kết hợp hoặc áp dụng riêng, tùy trường hợp cụ thể. Đánh đòn chỉ được áp dụng cho nam sinh và chỉ dùng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng. Nhìn chung, đòn roi là hình thức kỷ luật được áp dụng cuối cùng khi thực sự cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn