MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC

Con đường trở thành trường đại học có tầm ảnh hưởng dựa trên nền tảng tự chủ

TƯỜNG VÂN - THIỀU TRANG LDO | 13/10/2022 10:30

Sau thời gian đẩy mạnh cơ chế tự chủ, lần đầu tiên Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học đạt doanh thu trên một nghìn tỉ đồng mỗi năm. Con đường tự chủ mở ra rất nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng có không ít khó khăn, thách thức. GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội – 1 trong 5 cơ sở giáo dục đạt doanh thu trên một nghìn tỉ đồng mỗi năm đã có những chia sẻ để bạn đọc có cái nhìn toàn diện về con đường tự chủ đại học cũng như trách nhiệm của trường đại học với xã hội, đất nước.

Tự chủ đại học là xu thế tất yếu

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thí điểm quyền tự chủ trách nhiệm về một số nội dung đào tạo, tổ chức bộ máy, tài chính từ năm 2011. Trải qua hơn 10 năm triển khai, kết quả nhà trường đạt được như thế nào, thưa ông?

- Trước tiên cần khẳng định tự chủ đại học là xu thế tất yếu. Tự chủ là cơ sở để các trường chủ động, sáng tạo trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong học thuật, trong khuôn khổ luật pháp và các quy định do Nhà nước ban hành. Tự chủ để thực hiện tốt hơn một trong những sứ mạng quan trọng của cơ sở giáo dục đại học công, đó là gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Tự chủ không có nghĩa “tự lo” mà Nhà nước cần tiếp tục đầu tư để nâng tầm khu vực, quốc tế. Tự chủ cũng không phải tự do vì tự do sẽ dẫn tới nhận thức sai và vi phạm khung pháp lý do Nhà nước đặt ra.

Từ năm 2011, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện thí điểm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Quyết định số 1211/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Năm 2016, trường chính thức thực hiện tự chủ theo Quyết định số 1924/QĐ-TTg ngày 6.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua quá trình hơn 10 năm, trường đã đạt được những thành quả khả quan.

Trước tiên, nhận thức của cả hệ thống từ cán bộ cho đến sinh viên đã thay đổi mang tính đột phá. Tư duy chủ đạo là lấy người học làm trung tâm của mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu còn giảng viên đóng vai trò là người định hướng. Người học chủ động cao hơn trong quá trình học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, năng lực. Chương trình đào tạo cũng đã được thay đổi để đáp ứng sự thay đổi của khoa học công nghệ cũng như nhu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất có sự thay đổi rõ rệt. Giảng đường đã có điều hoà, thư viện được từng bước nâng cấp, khuôn viên trường đã khang trang hơn, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu được nâng cấp, các phòng thí nghiệm được đầu tư bài bản để hỗ trợ tối đa cho người học…, không khí rộn ràng, năng động của các câu lạc bộ sinh viên trong khuôn viên mở của trường mỗi buổi chiều sau giờ học là ví dụ điển hình cho sự thay đổi vì người học, vì chất lượng đào tạo. Cần nhấn mạnh rằng đích đến cuối cùng và quan trọng nhất của tự chủ là phải nâng cao được chất lượng đào tạo, nâng cao và mở rộng được tầm ảnh hưởng của trường.

Thách thức khi xây dựng bài toán tự chủ

Trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, vấn đề ngân sách có phải là khó khăn lớn nhất mà cơ sở giáo dục đại học gặp phải không, thưa ông?

- Tài chính là quan trọng nhưng khó khăn lớn nhất không phải vấn đề tài chính mà là rào cản về nhận thức, về cơ chế.

Trước đây, cả hệ thống giáo dục đại học nhận được sự bao cấp của Nhà nước. Khi bắt đầu cơ chế tự chủ, nhận thức trước đó phải thay đổi, từ bị động chuyển sang chủ động. Chủ động trong xây dựng chiến lược phát triển. Chủ động điều phối và phát huy nguồn lực con người, cơ sở vật chất và tài chính. Trong đó nguồn lực con người chính là động lực cho sự phát triển, đội ngũ giúp tăng chất lượng đào tạo, nghiên cứu và tầm ảnh hưởng. Để phát huy sức mạnh này, chế độ đãi ngộ cũng cần phải tăng lên, nhưng để tăng đãi ngộ thì trước tiên đội ngũ phải sáng tạo, cống hiến, đổi mới chính mình để tạo ra sự thay đổi chung của toàn trường.

Mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34 năm 2018) đi vào thực tiễn được 4 năm, nhận thức của chúng ta vẫn đang trong quá trình biến chuyển. Việc coi tự chủ gắn với “tự lo” hay tự chủ là việc của lãnh đạo là những ví dụ điển hình về điểm nghẽn trong nhận thức.

Thách thức duy trì đầu tư cho các ngành học truyền thống, ngành học nền tảng của công nghiệp, ngành nghề ưu tiên nhưng kén sinh viên cũng là vấn đề không nhỏ. Do đó, cần sự kết hợp nguồn thu hợp pháp của trường song hành với nguồn đầu tư, đặt hàng của Nhà nước. Khi năng lực về tự chủ tốt lên thì đầu tư Nhà nước càng cần được chú trọng để trở nên xuất sắc, không chỉ ở Việt Nam mà còn nằm trong những trường có ảnh hưởng ở khu vực và quốc tế.

Khó khăn tiếp theo liên quan đến chính sách do hệ thống văn bản pháp quy chưa đồng bộ với Luật 34 nên dẫn tới sự lúng túng trong quá trình thực hiện tự chủ, từ học thuật đến tổ chức nhân sự và tài chính.

Tự chủ học phí gắn với đào tạo chất lượng cao và trách nhiệm xã hội của các trường đại học công lập

Nhiều người vẫn cho rằng, tự chủ đại học sẽ gắn liền với việc tăng học phí. Điều này có đúng không, thưa ông?

- Việc đa dạng hoá nguồn thu là bài toán rất quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Tự chủ không đồng nghĩa với tăng học phí nhưng để tăng chất lượng đào tạo tất yếu phải tăng nguồn thu, bao gồm cả học phí, để đầu tư cho cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng, hỗ trợ người học được tốt hơn, cho đổi mới chương trình đào tạo, cho đội ngũ…

Trước đây, các khoản này đều do Nhà nước bao cấp, bây giờ cơ sở giáo dục phải tự trang trải từ một phần cho đến toàn bộ. Việc thu học phí tương xứng với chi phí đào tạo, kết hợp những giải pháp hỗ trợ để người học được thụ hưởng một cách công bằng là cách tiếp cận nhân văn, vừa đảm bảo về chất lượng đào tạo.

Với tầm nhìn là trở thành trường đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đặt mục tiêu chiến lược tăng dần tỉ trọng nguồn thu từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và dịch vụ. Báo cáo thường niên năm 2021 của trường thể hiện tổng nguồn thu hợp nhất vào khoảng 1.400 tỉ, trong đó nguồn thu từ đào tạo chiếm khoảng 60%.

Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nói riêng và các trường đại học nói chung cần thay đổi như nào để khẳng định vị thế và góp phần xây dựng, phát triển đất nước, thưa ông?

- Chiến lược phát triển chính là nền móng quan trọng của một cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Bên cạnh sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi, chiến lược xác định rõ mục tiêu, kế hoạch và giải pháp để thực hiện. Trong chiến lược, đầu vào là con người, cơ sở vật chất, tài chính, đầu ra chính là sản phẩm đào tạo, sản phẩm nghiên cứu, sản phẩm chuyển giao, sản phẩm dịch vụ. Sản phẩm đầu ra trước tiên phải phục vụ tốt hơn cho đất nước và dần mở rộng tầm ảnh hưởng đối với khu vực và thế giới.

Xác định rõ chiến lược như vậy tức là đã có sự thay đổi về nhận thức để hiện thực hóa chiến lược. Đây còn là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định, vị trí việc làm và bộ chỉ số đánh giá nhằm phát huy tối đa nguồn lực.

Bên cạnh thay đổi nhận thức và hoàn thiện thể chế bên trong trường đại học, cần phải nói đến vai trò của Nhà nước trong hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý đồng bộ để tự chủ đại học thực sự phát huy được sức sáng tạo, tập trung trí tuệ, thu hút đầu tư từ xã hội và cộng đồng.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn