MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk đến tận nhà học sinh để giao bài tập trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: Bảo Trung

Còn nhiều học sinh ở Đắk Lắk chưa đủ điều kiện học trực tuyến mùa dịch

BẢO TRUNG LDO | 12/09/2021 11:13

Vẫn còn nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk không đủ điều kiện dạy và học trực tuyến trong mùa dịch COVID-19.

Ngày 12.9, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho hay, tối nay Bộ Giáo dục Đào tạo, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam sẽ mở cuộc vận động quyên góp, ủng hộ chương trình “Máy tính cho em”. Đây là chương trình ý nghĩa đối với hàng trăm nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.

Trước đó, để chuẩn bị cho công tác dạy học trong bối cảnh dịch COVID-19 diến biến phức tạp, ngành giáo dục đã khảo sát điều kiện dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và ghi nhận nhiều học sinh, giáo viên không đủ điều kiện dạy và học trực tuyến, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, một trong những khó khăn để triển khai dạy học trực tuyến là nhiều học sinh, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa thiếu thiết bị học trực tuyến. Cơ sở năng lực sử dụng công nghệ thông tin của nhiều học sinh tiểu học, một bộ phận học sinh trung học còn hạn chế. Kỹ năng học tập trực tuyến chưa cao. Nhiều giáo viên lớn tuổi kỹ năng dạy học trực tuyến chưa thành thạo.

Công tác tổ chức dạy học trong thời gian học sinh không thể đến trường do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 chưa được đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục... đã tạo những khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện.

Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các nhà trường phân loại đối tượng, xây dựng các kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện của từng học sinh.

Đối với học sinh không có máy tính, điện thoại, tivi, nhà trường chỉ đạo giáo viên biên soạn bài dạy, câu hỏi kiểm tra, hướng dẫn học tập để in sao, chuyển giao cho học sinh học tập; có kế hoạch theo dõi, đánh giá, nắm bắt tình hình học tập của học sinh để có những điều chỉnh kịp thời.

Riêng học sinh tiểu học, các thầy, cô giáo tăng cường tổ chức giao bài cho học sinh bằng hình thức phiếu học tập để hướng dẫn học sinh tự học tại nhà.

Các trường bố trí thời gian học phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Cuối mỗi tuần học, nhà trường đánh giá việc thực hiện các hình thức dạy học để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Tuyệt đối không vì chạy theo tiến độ chương trình, thời làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học, gây khó khăn cho phụ huynh và các cháu trong việc tiếp cận các hình thức dạy học.

Qua khảo sát ở Đắk Lắk (do Sở GD ĐT thực hiện), tỷ lệ học sinh không có điều kiện học trực tuyến qua Internet, trên truyền hình ở bậc Trung học phổ thông (61.443 học sinh) là 3,24%; Giáo dục thường xuyên (4.389 học sinh) là 4,53%; Trung học cơ sở (127.634 học sinh) là 17,54%; bậc Tiểu học (189.978 học sinh) là 61,7%. Bên cạnh đó, học sinh ở bậc Tiểu học có 61,7% lựa chọn theo hình thức giao bài, phiếu học tập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn