MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh mong giảm bớt số môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Minh Hà

Còn nhiều tranh luận về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Tường Vân LDO | 17/10/2023 09:44

Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

3 phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Bộ GDĐT đã thực hiện lấy ý kiến khảo sát về 2 phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Thi 4 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 hoặc 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đề xuất thêm phương án 2+2 - tức thí sinh thi 4 môn, gồm: 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử).

Bộ GDĐT đánh giá, phương án này không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm làm ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.

Bởi vậy, Bộ GDĐT tiếp tục xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT theo ba phương án lựa chọn 4+2, 3+3 và 2+2.

Nhiều ý kiến tranh luận

Những ngày qua, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là chủ đề được em Mai Trà My - Học sinh lớp 11 Trường Hữu Nghị T78 (Hà Nội) cùng các bạn đưa ra bàn luận sôi nổi. Trà My mong muốn, số môn bắt buộc sẽ được giảm.

“Chúng em là lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình mới, sách giáo khoa mới khiến chúng em gặp nhiều bỡ ngỡ. Em mong được giảm áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT” - Trà My nói.

Cô Nguyễn Lương Thiện - Giáo viên môn Kinh tế pháp luật, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) ủng hộ phương án thi 3+2 - tức học sinh thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Lý giải về sự lựa chọn này, cô Thiện chia sẻ: “Nếu Lịch sử là môn thi bắt buộc, những em học sinh có định hướng lựa chọn Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ thiệt thòi hơn khi phải tăng số môn. Bởi vậy, nếu thi 3 môn bắt buộc sẽ tạo công bằng hơn cho các thí sinh”.

Cô Lê Thị Nga - Giáo viên tiếng Anh tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng ủng hộ phương án 3+2.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam từng ủng hộ phương án 3+2, song thời điểm Bộ GDĐT công bố thêm phương án 2+2, ông lại nghiêng về phương án này.

Trước ý kiến của dư luận xã hội băn khoăn việc ngoại ngữ và Lịch sử là 2 môn học bắt buộc nhưng lại không xuất hiện trong kỳ thi, ông Lâm cho rằng, phương án này giảm áp lực cho học sinh, giáo viên đồng thời, không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh. Giảm số môn thi, học sinh sẽ có thêm thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

Lịch sử mặc dù là môn học bắt buộc, nhưng mục tiêu hướng đến là rèn kiến thức, ý thức, phát triển nhân cách của học sinh. Điều này là cần thiết trong mỗi giờ học chứ không cần trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mục đích của kỳ thi này là đánh giá năng lực học trò và là căn cứ để các trường tuyển sinh đại học. Những em nào lựa chọn các trường khối xã hội hoàn toàn có thể chọn thêm Lịch sử làm môn tự chọn.

Còn với môn Ngoại ngữ, TS Nguyễn Tùng Lâm thẳng thắn nói, năm nào chúng ta cũng tổ chức thi nhưng điểm số vẫn rất kém. Như vậy, không thể nói rằng, thi để nâng cao chất lượng giảng dạy bởi thi cử hiện nay ở hình thức trắc nghiệm, các trường thường chỉ dạy mẹo, chạy theo điểm số mà không chú trọng đến kỹ năng, chuẩn đầu ra các em đạt được.

“Tôi ủng hộ thi tốt nghiệp THPT với hai môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán. Không giảm môn thi, để học sinh phát triển toàn diện, tránh đổ xô vào khối tự nhiên, xã hội. Chúng ta nên nghiên cứu và mạnh dạn triển khai phương án này” - TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn