MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công bố quốc tế của Việt Nam tăng vượt bậc, riêng 2020 có hơn 32000 bài báo

Bích Hà LDO | 24/08/2021 12:27
Kết quả thống kê các công bố quốc tế cho thấy trong những năm gần đây, Việt Nam có số lượng công bố tăng mạnh ở cả nhóm ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Riêng năm 2020, Việt Nam có 10.850 bài báo WoS (ISI), 21.530 bài báo Scopus.

Cán mốc  32.380 bài báo quốc tế trong 1 năm

Theo số liệu từ Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), trong 5 năm qua, các tác giả Việt Nam đã công bố 39.408 bài báo WoS, 58.426 bài báo Scopus.

Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học có 22.531 bài báo WoS (tỉ lệ 57,2% so với tổng số của cả nước) và 52.871 bài báo Scopus (tỉ lệ 90,5% cả nước).

Trong 5 năm qua, riêng bài báo WoS của Việt Nam tăng 2,1 lần (từ 5.131 bài năm 2016 tăng lên 10.850 bài vào năm 2020).

Bài báo Scopus của cả nước tăng 3,69 lần trong 5 năm qua (từ 5.833 bài năm 2016 tăng lên 21.530 bài vào năm 2020).

So sánh số bài báo quốc tế trong 5 năm trở lại đây. Nguồn: Bộ GDĐT 

Số lượng bài báo WoS và Scopus tăng mạnh nhất ở giai đoạn 2018 – 2019 và cán mốc hơn  32.380 bài báo quốc tế ở năm 2020.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy, riêng năm học 2020-2021, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, giáo dục đại học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Trong đó việc tự chủ đại học được tăng cường, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong mọi mặt hoạt động từ tài chính, nhân sự và chuyên môn học thuật đã góp phần đưa đến những bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Động lực khiến công bố quốc tế tăng trưởng mạnh

Theo đánh giá của thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn, Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường Đại học Phenikaa, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong công bố nghiên cứu khoa học quốc tế đã góp phần quan trọng trong việc giúp các đại học của Việt Nam tăng hạng trên bản đồ giáo dục đại học quốc tế.

Nếu năm 2011, Việt Nam chỉ có gần 1.600 công bố khoa học trên các tạp chí này thì đến năm 2020, con số này đã tăng gần 8 lần. Số bài báo ISI năm 2020 còn lớn hơn tổng số bài báo ISI của ba năm 2017, 2016 và 2015 cộng lại, cũng lớn hơn tổng số bài ISI của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm trước đó, từ 2011 đến 2015.

So sánh tỉ lệ công bố quốc tế ở lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. 

Theo các số liệu phân tích và mất nhiều thời gian để thống kê, nghiên cứu, thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn cho biết, trong số các bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí ISI của Việt Nam, chiếm đến 94,2% là các bài báo thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên. Nhóm ngành khoa học xã hội có số lượng công bố quốc tế khiêm tốn hơn với chỉ 5,8%.

Thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn cho rằng, điều này là bình thường vì đó là tình trạng chung trên thế giới. Tuy ít hơn về số lượng nhưng nếu xét trên tốc độ tăng trưởng thì nhóm khoa học xã hội lại tăng nhanh hơn, có sự hội nhập quốc tế cao hơn tính từ năm 2017 đến nay.

Theo các chuyên gia giáo dục, bài báo, công bố quốc tế của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây là do xu hướng hội nhập quốc tế, yêu cầu các trường đại học muốn khẳng thương hiệu, thu hút người học thì phải tăng vị trí trên các bảng xếp hạng thế giới. Vì thế, các trường buộc phải đầu tư nghiên cứu và công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín để tăng vị trí xếp hạng.

Đặc biệt từ năm 2017, khi Bộ GDĐT ban hành quy chế về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó yêu cầu bắt buộc về việc phải có công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh và cả giáo viên hướng dẫn. Điều này đánh giá là một cú hích và buộc các nhà nghiên cứu Việt Nam phải nâng cao chất lượng, có công bố quốc tế, để hội nhập thế giới.

Nhằm khích lệ các trường đại học có nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí trong danh mục ISI, SCI, SCIE, hằng năm, Bộ GDĐT đều có quyết định khen thưởng cho các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ, có bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Tùy tạp chí, mức thưởng tối thiểu là 2 triệu đồng/ bài.

Ngoài mức thưởng của Bộ GDĐT theo quy định, mỗi trường đại học lại có những cơ chế khác nhau để khích lệ hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế.

Như tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, mức thưởng cho bài báo công bố quốc tế lên tới 200 triệu đồng/bài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn