MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội thực hiện dạy học chính khóa cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 qua truyền hình. Ảnh: Hải Nguyễn

Công nhận kết quả dạy học qua truyền hình, online: Phải đảm bảo công bằng, chất lượng

đặng chung LDO | 26/03/2020 12:30

Dạy học qua truyền hình, dạy học online dù chưa thể mang lại kết quả như dạy học trực tiếp trên lớp, nhưng nó đang là phương pháp cứu cánh trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Có điều, việc công nhận kết quả dạy học của phương thức này nên thực hiện thế nào để đảm bảo khách quan, công bằng với mọi đối tượng học sinh là vấn đề còn nhiều băn khoăn.

Khó giám sát việc học qua truyền hình

Tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã khuyến khích các địa phương tăng cường dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình và đồng ý công nhận kết quả học tập của phương thức này. Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay có 92/240 cơ sở đào tạo đại học (chiếm 38,3%) đã áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến.

Việc ứng dụng các hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) có khả năng quản lý được quá trình tổ chức dạy, học, kiểm tra đánh giá trực tuyến cũng đã được rất nhiều trường phổ thông trên cả nước áp dụng. Ứng dụng được giáo viên sử dụng nhiều nhất là dạy học trực tuyến đồng thời theo thời gian thực, như Microsoft Teams, Google Meet, Zoom, Zalo... Với ứng dụng này, giáo viên có thể tạo ra các lớp học ảo và tổ chức dạy học có tương tác trực tiếp với học sinh để triển khai các hoạt động dạy học.

Còn với hình thức dạy học qua truyền hình, hiện có 13 địa phương triển khai, vừa để ôn tập kiến thức cũ, vừa cung cấp các bài học mới cho học sinh. Tuy nhiên thực tế dạy học trên truyền hình hiện nay đang mỗi tỉnh làm một kiểu, chưa thống nhất. Hạn chế của phương thức dạy học này là không có sự tương tác trực tiếp giữa học sinh và giáo viên, khó khăn trong việc quản lý người học, nên khó đánh giá được chất lượng giảng dạy.

Thực tế, một tuần qua, khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện dạy học qua truyền hình theo thời khóa biểu cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12, phụ huynh - đặc biệt những người có con em đang học tiểu học - có nhiều băn khoăn. 

Theo chị Đỗ Vân Anh (phụ huynh Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội), những ngày qua, trên nhóm Zalo của lớp con chị, phụ huynh bàn luận rôm rả về việc  học qua truyền hình của con. Vấn đề mà chị Vân Anh và phụ huynh gặp phải là giờ phát sóng các bài giảng đều vào ban ngày, trong khi học sinh ở lứa tuổi tiểu học còn hiếu động, ý thức tự giác học tập chưa cao như các anh chị lớp lớn. Nhiều gia đình cũng chưa thể quản lý việc học của con, do ban ngày phải gửi con nhờ ông bà chăm sóc. Phụ huynh lo lắng nếu thực hiện dạy bài mới cho học sinh qua truyền hình, thì con sẽ không theo kịp để có thể vượt qua kỳ kiểm tra, đánh giá khi trở lại trường.

Sẽ có thời gian ôn tập cho học sinh trước khi kiểm tra, đánh giá

Tại Hội nghị trực tuyến 63 điểm cầu về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 do Bộ GDĐT tổ chức ngày 25.3, vấn đề làm thế nào để công nhận kết quả và tăng hiệu quả của việc dạy học qua truyền hình, Internet đã được đặt ra để bàn luận.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, trong thời gian dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh các phương thức giáo dục từ xa như dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến được xem là giải pháp vừa duy trì hoạt động giảng dạy, vừa giúp phòng, chống dịch bệnh. Nhưng ông cũng thừa nhận việc công nhận kết quả dạy học của những phương thức mới này sẽ có khó khăn. Vì hiện nay có nơi học sinh có đủ điều kiện để học qua truyền hình, Internet, nhưng cũng có nơi cơ sở vật chất chưa cho phép.

“Nhưng trong tình huống việc tổ chức dạy học trực tiếp quá khó khăn như hiện nay, ta cần áp dụng và phát huy tối đa ưu điểm của các phương thức dạy học trực tuyến, để đảm bảo việc học tập của học sinh. Đây cũng là cơ hội để học sinh, giáo viên, ngành giáo dục cả nước làm quen với ứng dụng những công nghệ số hiện đại vào đổi mới các hình thức tổ chức dạy học.

Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi. Ví dụ như các bài giảng ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác, để đảm bảo học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ được kiến thức”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng sẽ đề nghị các địa phương thay đổi khung phát sóng, các bài giảng cho học sinh tiểu học sẽ được lên sóng vào buổi tối, để phụ huynh có thời gian đồng hành với việc học của con. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục, giáo viên cũng phải tăng cường tương tác, biên soạn các bài tập, giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện sau mỗi giờ học trên truyền hình.

Đối với việc đánh giá kết quả học tập của học sinh học qua internet, trên truyền hình, để đảm bảo công bằng cho học sinh, Bộ GDĐT thống nhất ý kiến việc kiểm tra định kỳ, cuối kỳ sẽ được thực hiện tại các nhà trường khi học sinh đi học trở lại. Đặc biệt, khi học sinh mới quay lại trường, các em sẽ được cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình.  

Với việc đánh giá thường xuyên, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách các môn học trực tiếp giao nhiệm vụ học tập cho học sinh, thông qua nhiều hình thức như: Sản phẩm học tập, kết quả thực hành thí nghiệm… Việc đánh giá thường xuyên phải đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực, vì quyền lợi của học sinh. Khi đáp ứng các điều kiện này, kết quả đánh giá sẽ được công nhận theo quy định hiện hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn