MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên vùng cao mong mỏi chờ cải cách tiền lương để có động lực bám bản. Ảnh: Đinh Đại

Công tác 22 năm lương 8 triệu, giáo viên miền núi mong mỏi chờ cải cách

Khánh Linh LDO | 05/01/2024 07:17

Nhiều giáo viên công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mong mỏi chờ cải cách tiền lương để cuộc sống bớt nhọc nhằn.

Những ngày cuối năm âm lịch, công việc bộn bề cùng áp lực gia đình khiến cô giáo Bùi Ngọc Mai (giáo viên mầm non ở TP Sơn La, tỉnh Sơn La) như nặng nề hơn.

Sau gần 4 năm nhận nhiệm vụ giảng dạy tại một ngôi trường mầm non trên địa bàn TP Sơn La, tính đến nay, cả lương và phụ cấp mà nữ giáo viên này nhận được khoảng hơn 5 triệu đồng mỗi tháng.

Tính cả chi phí ăn ở, sinh hoạt và học hành cho 2 đứa con, gần như tháng nào 3 mẹ con cũng phải chịu cảnh thiếu trước, hụt sau.

Cô Mai chia sẻ: "Mỗi sáng đến trường lúc 7h sáng và tan làm lúc hơn 5h chiều, chưa kể có những thời điểm phải ở lại thiết kế đồ dùng học tập thì đến 7h tối mới về đến nhà. Tiền lương mỗi tháng tôi nhận được hơn 5 triệu đồng, tính cả tiền thuê nhà và nuôi các con ăn học thì không đủ".

Sau giờ học, nhiều giáo viên lại phải lo trang trí lớp học, làm đồ dùng học tập. Ảnh: Khánh Linh

Còn với cô giáo Lò Thị Thoả - giáo viên trường PTDTBT TH&THCS Nà Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, sau hơn 10 năm công tác tại xã biên giới, mức lương hiện tại nữ giáo viên này nhận được gần 14 triệu đồng. Trong đó đã cộng cả tiền phụ cấp công tác vùng biên giới, phụ cấp trông học sinh bán trú và phụ cấp chức vụ tổ trưởng.

Cô Thoả cho hay: "Trường PTDTBT TH&THCS Nà Khoang có tổng cộng 10 điểm trường, tính cả điểm trung tâm và điểm THCS. Điểm gần nhất cách 5km, còn điểm xa nhất thì cách trung tâm xã hơn 20km, đường đi lại chủ yếu là đường đất, khu vực trung tâm có đường bê tông thì đã xuống cấp, khó khăn nên cứ khoảng 2 tuần các giáo viên phải thay dầu nhớt xe một lần".

Theo cô Thoả, giảng dạy ở vùng cao đi lại vất vả, với những thầy cô cắm bản, phải ở lại trường 1 tuần mới được về thăm nhà một lần. Chưa kể những dịp mưa lũ, đường trơn, thầy cô phải cắm bản cả tháng trời.

"Có những thầy cô giáo trẻ tình nguyện đi cắm bản, xa gia đình, để cả con nhỏ ở nhà cho bố mẹ nhưng mức lương nhận được cũng chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Nhưng tâm huyết với nghề, thương học trò nên vẫn cố gắng thôi" - nữ giáo viên vùng biên cho hay.

Nói về chính sách cải cách tiền lương, cô Thoả cho hay, cải cách tiền lương là mong mỏi của không chỉ cô mà còn tất cả giáo viên vùng cao. Nếu cải cách tiền lương mới, áp dụng trong trường hợp trên khi giáo viên có thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung.

Với giáo viên vùng cao, không chỉ là thầy cô giáo mà còn như cha mẹ học sinh, chăm các em từng miếng ăn, giấc ngủ. Ảnh: Đinh Đại

Họ mong tiền lương được trả sẽ xứng đáng với công sức và tâm huyết của những giáo viên vùng cao hàng ngày ngày miệt mài cắm bản, cõng chữ dạy cho trẻ em vùng khó khăn.

Chia sẻ với PV, thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) - cho biết: "Trong quá trình công tác, tôi đã chứng kiến có những giáo viên 16 năm công tác vùng sâu, 6 năm công tác vùng thuận lợi, tổng cộng là 22 năm công tác và bây giờ lương 8,2 triệu đồng/tháng.

Hơn 20 năm công tác để nhận lại hơn 8 triệu đồng tiền lương thì thật sự là rất thiệt thòi. Các giáo viên cũng có gia đình, con cái, có bố mẹ già cần phải chăm sóc, tuy nhiên, với mức lương đó thật sự mâu thuẫn giữa cái tâm và câu chuyện mưu sinh".

Cũng theo thầy Hùng, để giải bài toán kinh tế, nhiều giáo viên phải lựa chọn dạy thêm để có thêm thu nhập. Tuy nhiên việc dạy thêm lại khiến các thầy cô không có thời gian để đọc sách, học hỏi và làm giàu vốn kiến thức. Mức lương của thầy cô giáo chính là một trong những nút thắt của ngành giáo dục.

"Chính vì thế, chính sách cải cách tiền lương để mức lương giáo viên tương xứng với công sức họ bỏ ra là một cách giúp họ yên tâm cống hiến, không bị đặt nặng vấn đề kinh tế lên trên vấn đề chuyên môn" - vị Phó Hiệu trưởng nói.

Mới đây, Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách theo Nghị quyết 27-NQ/TW, dự kiến thực hiện từ ngày 1.7.2024.

Cụ thể các nội dung gồm xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn