MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế học đường có nhiều việc và áp lực, nhất là tại các trường đông học sinh. Ảnh: Ngọc Viên

Công việc không hề nhàn của nhân viên y tế học đường

Hà Quyên LDO | 05/12/2023 20:56

Theo thông tư mới ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhân viên y tế học đường không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thuộc nhân viên hợp đồng tùy theo nhu cầu của đơn vị. Điều này khiến đội ngũ nhân viên y tế học đường chạnh lòng và tha thiết mong sự thay đổi phù hợp.

Khối lượng công việc nhiều

Chia sẻ với Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Hương có thâm niên hơn 10 năm là nhân viên y tế học đường tại một trường tiểu học tại Hà Nội, cho biết, nhiều người nghĩ rằng công việc của nhân viên y tế tại trường học nhàn song thực tế không phải vậy. Đội ngũ này có nhiều việc cần đảm nhận và có những áp lực nhất định.

Theo đó, công việc thường ngày của chị Hương là sơ cấp cứu cho học sinh. Các sự cố, tai nạn xảy ra thường xuyên, đặc biệt những ngày đầu năm học mới. Bên cạnh đó là phối hợp lập kế hoạch và cùng với cơ quan tế địa phương khám sàng lọc phát hiện bệnh lý như: Béo phì, cận thị, cong vẹo cột sống, tim mạch, bệnh di truyền, truyền nhiễm….

Chị cũng phối hợp với giáo viên tư vấn ổn định tâm lý cho học sinh khi có các tình huống hoặc trong các trường hợp có bệnh truyền nhiễm, di truyền, dậy thì sớm… Tuyên truyền giáo dục truyền thông sức khỏe với nhiều hình thức như: Tạo video clip, thuyết trình, đăng bảng tin, website nội bộ…

Đặc biệt, một nhiệm vụ quan trọng khác của nhân viên y tế học đường là chịu trách nhiệm trước ban giám hiệu về công tác vệ sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường (xét nghiệm, lưu nghiệm thức ăn, nước uống…).

Đối với các nhà trường tổ chức ăn bán trú phải giám sát định lượng, chất lượng thực phẩm sống, chín, giám sát khẩu phần ăn thêm (quà chiều), tiếp nhận tổng hợp thông tin phản hồi từ giáo viên, học sinh kịp thời tư vấn để ban giám hiệu điều chỉnh thực đơn theo ngày, tuần, tháng đảm bảo khẩu phần cung cấp dinh dưỡng.

Chị Hương còn các nhiệm vụ khác là lập kế hoạch, tổng hợp báo cáo công tác y tế với ban giám hiệu và cơ quan ngành dọc cấp trên; làm công tác bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể; tham gia tập huấn các chương trình đào tạo có liên quan.

Áp lực thường gặp

Chị Hương cho biết, với công việc nhân viên y tế học đường, chị chịu nhiều áp lực. Thứ nhất, với việc chịu trách nhiệm cao chỉ sau ban giám hiệu nhà trường về tình trạng sức khỏe, thậm chí là tính mạng của các em học sinh khi có tình huống cần hỗ trợ y tế.

“Trong suốt thời gian làm nghề, tôi đã từng chứng kiến có những học sinh chảy máu nội tạng, gãy chân, tay nguy cơ đứt mạch máu, chấn thương rách vết thương hở, động kinh, ngất…” – chị chia sẻ.

Nhiều phụ huynh học sinh sau khi nghe con bị tai nạn thương tích hoặc có vấn đề về sức khỏe, việc đầu tiên họ nghĩ đến là trách nhiệm của nhân viên y tế.

“Có những phụ huynh khi chúng tôi đưa học sinh về tận nhà bàn giao và thông báo tình trạng sức khỏe, bệnh lý nhưng tiếp nhận hời hợt. Khi có sự việc, họ lại muốn quy trách nhiệm cho nhân viên y tế” – chị Hương nói về áp lực của mình.

Ngoài phụ huynh, họ còn chịu áp lực trong việc tư vấn tâm lý cho trẻ nhỏ, nhiều tính cách khác biệt, trẻ dậy thì sớm nhưng hướng nội ít tâm sự, trẻ tăng động khó kiểm soát…

Thêm vào đó, chị cho biết đặc thù của ngành y tế nói chung và nhân viên y tế học đường nói riêng là dễ dàng phơi nhiễm với các loại bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch (khi có bệnh mới đến phòng y tế).

Theo chị Hương, trên đây là một số công việc chính và những áp lực mà nhân viên y tế học đường thường xuyên gặp phải ở tất cả trường học, đặc biệt là những trường học có sĩ số học sinh lớn.

Chị chia sẻ vì muốn để xã hội hiểu về đặc thù công việc và có cái nhìn toàn diện hơn với nghề y tế học đường.

“Trong suốt những năm làm nghề, khi ai đó biết nghề nghiệp là nhân viên y tế học đường, câu đầu tiên họ thốt ra là: ‘Thế cũng nhàn nhỉ’, chúng tôi thấy chạnh lòng vô cùng. Người xưa có câu "muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy’", vậy tại sao những người làm nghề chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu học sinh trên cả nước lại bị xếp vào vị trí việc làm phục vụ, lao động chân tay. Thử hỏi làm sao chúng tôi có thể yên tâm và tâm huyết với nghề” - chị Hương bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn